- Là người trưởng giả.
Thích Chi nói:
- Giáng Hầu và Đông Dương Hầu được khen là trưởng giả, nhưng hai
người này bàn công việc thì thường không nói ra lời, họ có phải học anh
giữ chuồng hổ khua môi múa mép đâu ! Vả chăng, nhà Tần vì tin dùng bọn
thư lại, bọn thư lại đua nhau về mặt nghiêm ngặt, gắt gao cho là giỏi.
Nhưng cái tệ là ở chỗ chỉ lo đến câu văn suông chứ không có lòng thương
xót thực sự của con người. Vì vậy, nhà Tần không nghe nói đến sai lầm của
mình, dần dà cho đến đời Nhị Thế, thiên hạ suy sụp. Nay bệ hạ cho rằng
người giữ chuồng hổ ăn nói lưu loát mà cho thăng vượt bực, thần sợ thiên
hạ đua nhau bắt chước, tranh nhau về chỗ ăn nói lưu loát mà không có thực
chất. Vả chăng, ở dưới mà bị trên cảm hóa còn nhanh hơn bóng và tiếng
vang, việc thưởng phạt không thể không cẩn thận.
Văn Đế nói:
- Phải.
Bèn thôi không cho người coi chuồng hổ làm quan. Nhà vua lên xe gọi
Thích Chi cùng ngồi. Xe đi chậm rãi, nhà vua hỏi những việc tệ đời Tần.
Thích Chi nói thực tất cả. Đến cung, nhà vua cho Thích Chi làm công xa
lệnh (5).
Được ít lâu, thái tử và Lương Vương cùng đi xe vào triều, không xuống xe
ở cửa Tư mã. Thích Chi bèn đuổi theo ngăn thái tử và Lương Vương không
cho vào cửa điện. Sau đó, tâu lên hặc họ về tội bất kính, không xuống xe ở
cửa công. Bạc thái hậu (6) nghe tin ấy, Văn Đế cất mũ tạ lỗi, nói:
- Ta không cẩn thận trong việc dạy con.
Bạc thái hậu bèn sai sứ mang chiếu tha lỗi cho thái tử và Lương Vương,
sau đó họ mới được vào. Văn Đế vì vậy cho Thích Chi là người kỳ lạ, cho
làm trung đại phu.
Ít lâu sau, Thích Chi làm đến trung lang tướng, theo vua đến Bá Lăng. Nhà
vua lên mé sông phía Bắc.
Bấy giờ Thận phu nhân đi theo, nhà vua chỉ đường Tân Phong cho Thận
phu nhân nói:
- Đường này đi Hàm Đan đây (7)!