lắm.
Được ít lâu, vua Hồn Gia của Hung Nô đem dân chúng đến hàng. Nhà Hán
đưa ra hai vạn cỗ xe. Nhà vua không có tiền, mua chịu ngựa của dân. Dân
có người giấu ngựa đi, số ngựa không đủ. Nhà vua giận, muốn chém quan
huyện lệnh Trường An. Ảm nói:
- Quan huyện lệnh Trường An không có tội, xin chém một mình Ảm, thì
dân sẽ chịu đưa ngựa ra. Vả chăng Hung Nô phản lại chủ của họ, đầu hàng
nhà Hán; Hán cứ thủng thẳng đặt các trạm ở các huyện để đưa đến, sao lại
làm cho thiên hạ náo động, Trung Quốc mệt mỏi để hầu hạ Di, Địch
Nhà vua im lặng. Đến khi Hồn Gia đến, những người buôn bán và những
người ở ngoài chợ phạm tội chết đến hơn năm trăm người. Ảm xin được
dịp yết kiến nhà vua ở điện Cao Môn. Ảm nói:
- Hung Nô vào xâm lấn đường sá biên giới, cắt đứt hòa thân. Trung Quốc
đem binh trừng phạt, người chết và bị thương không kể xiết, hao phí tiền
của hàng vạn triệu. Thần ngu dốt cho rằng bệ hạ được người Hồ thì đều cho
làm nô tỳ cấp cho những gia đình có người tòng quân mà chết. Tài sản
cướp được thì đều cấp cho họ để đỡ cái khổ cho thiên hạ, an ủi lòng trăm
họ. Nay lại không làm như vậy, Hồn Gia đem mấy vạn người đến hàng, bệ
hạ sai vét rỗng kho để thưởng, bắt dân lành hầu hạ nuôi nấng, như nuôi đứa
con cưng ? Dân ngu biết đâu rằng đó là lệnh cấm, nên tùy tiện đến mua
những đồ vật ở chợ Trường An. Thế mà quan lại theo pháp luật buộc tội họ
là đã đem của cải vật phẩm đưa ra biên giới ! Nếu như bệ hạ không thể có
được của cải của Hung Nô để tạ lỗi với thiên hạ, thì lẽ nào dùng lời lẽ khó
hiểu mà giết hơn năm trăm người dại dột. Làm như vậy tức là như người ta
nói: “Che chở cho lá làm thương tổn đến cành cây vậy”. Thần trộm cho bệ
hạ làm như thế là không phải.
Nhà vua im lặng, không nghe theo, nói:
- Ta đã lâu không nghe Cấp Ảm nói, đến nay ông ta lại nói bậy.
Mấy tháng sau, Cấp Ảm phạm sai lầm nhỏ, bị tội. Gặp lúc đại xá bị bãi
chức, Ảm bèn ở ẩn chốn điền viên.
Cấp Ảm ở nhà được mấy năm, gặp lúc nhà vua thay bằng thứ tiền năm thù,
dân nhiều người đúc tiền trộm, ở nước Sở lại càng nhiều nhất (11). Nhà vua