An. Sau chuyến đi ấy kéo dài ba năm, ông còn đi những chuyến khác cũng
để tìm tài liệu. Trong thời xưa, việc đi lại rất khó khăn, trên đường giặc
cướp rất nhiều, những nhà du thuyết có bôn ba từ nước này sang nước khác
thì cũng chỉ ở trong một địa bàn rất hẹp, chứ chưa có ai vì mục đích khoa
học mà lại đi xa như vậy. Có thể nói trừ miền Quảng Đông, Quảng Tây, còn
từ Vân Nam, Tứ Xuyên cho đến Vạn Lý Trường Thành, ở đâu cũng có vết
chân của ông. Ông là một trong những nhà du lịch lớn nhất của Trung Cổ.
Những cuộc du lịch đã cung cấp cho ông vô số tài liệu, truyền thuyết, giúp
ông thấy được thái độ của nhân dân đối với những nhân vật, những biến cố
lịch sử và cho ông rất nhiều chi tiết điển hình về đời sống từng người trong
lúc còn hàn vi.
Chính những cuộc “đi chơi” như vậy đã làm cho Tư Mã Thiên thấy cái bao
la hùng vĩ của đất nước, có được một ý thức sâu sắc về sự vĩ đại của tổ
quốc , về tất cả mọi mặt để thành nhà sử gia vĩ đại của cả một dân tộc. Mã
Tồn một văn sĩ đời sau nói, “Muốn học cái văn của Tư Mã Tử Trường thì
trước tiên phải học cái chơi của Tử Trường.” Câu nói đó không phải là quá
đáng.
Sau lúc đi du lịch về, ông làm lang trung. Lang trung là chức quan nhỏ có
trách nhiệm bảo vệ nhà vua khi đi ra ngoài. Trong thời gian ấy, ông biết Lý
Lăng cùng làm lang trung như ông, và thường gặp Lý Quảng.
Năm 110 trước Công Nguyên, Vũ Đế chuẩn bị làm lễ phong thiên ở Thái
Sơn, Tư Mã Đàm trên đường đi theo nhà vua, mắc bệnh nặng, cầm tay con
khóc mà dặn rằng :
- Tổ ta đời đời làm sử quan. Sau khi ta chết đi, thế nào con cũng nối nghiệp
ta làm thái sử. Khi làm thái sử chớ quên những điều ta muốn bàn, muốn
viết… Hiện nay bốn biển một nhà, vua sáng tôi hiền, ta làm thái sử mà
không chép được rất lấy làm xấu hổ. Con hãy nhớ lấy !
Ông khóc mà vâng lời.
Ba năm mãn tang, ông thay cha làm thái sử lệnh (-108) chuẩn bị viết bộ Sử
ký, thực hiện cái hoài bão lớn nhất của người cha, đồng thời là điều mong
ước duy nhất của mình. Từ - 106, ông không giao tiếp với khách khứa, bỏ
cả việc nhà, ngày đêm miệt mài biên chép. Như thế được bảy năm thì xảy