*
Nhờ những chi tiết này, một danh sĩ đời TẤN (TSIN 265-419) viết
trong tập ký ức :
« Nước SUỐI VÀNG tinh khiết, sông Tượng Phủ trong xanh. Suối,
sông, cửa sông có nhiều côn trùng thật nhỏ cắn lủng gỗ, đục khoét
thuyền bè. Trong vài mươi ngày, chúng có thể ăn hư một chiếc thuyền.
Dưới dòng nước trong sạch có một loại cá mình đen, bề dài 5 trượng
(tchang), đầu giống như ngựa, nằm chờ người ta lội xuống thì cắn
ngay ».
Trong quyển Phù-Nam-Ký (FOU-NAN-KI) của TRÚC-CHI
(TCHOU-TCHE) có ghi :
« Lãnh thổ ĐỐN-TỐN (TOUEN-SIUN) thuộc Vương quốc Phù-
Nam. Vị Lãnh chúa tên CÔN-LÔN (K’OUEN-LOUEN). Trong nước có
năm trăm gia đình người Hồ (HOU) và hơn một ngàn tu sĩ Bà-la-môn
người Ấn. Dân Đốn Tốn theo đạo Bà-la-môn và gả con gái cho các tu sĩ
này, vì thế, rất nhiều tu sĩ không trở về cố quốc. Họ chỉ đọc kinh sách
của Thần Thánh và dâng cúng ngày đêm những bình màu trắng đựng
dầu thơm và bông hoa. Khi mang bịnh, họ mong được « điểu táng » nếu
không thể sống. Thân nhân khiêng họ ra khỏi thành phố vừa nhảy múa,
vừa ca hát. Một bầy chim chờ sẵn xé thịt xác chết. Mớ xương còn lại
được đốt ra tro bỏ vào một cái hũ quăng xuống biển. Nếu bầy chim
không ăn, người ta bỏ thây kẻ bất hạnh vào một cái thúng. Người nào
chọn lối « hỏa táng » thì đốt xác chết, lấy tro bỏ vào hũ chôn xuống đất.
Trong lúc tang ma, họ cúng tế liên tiếp nhiều ngày ».
*
Sử ký nhà Bắc Tống (SONG 420-478) trong chương ghi về Âm
nhạc có chép lại một bài hát do ông TRƯƠNG-HOA (TCHANG-HOUA
232-300) soạn cho Vua Thế tổ Võ đế (265-290) nhà Tây Tấn (TSIN 265-
313) có câu : « Nước Phù Nam nhờ rất nhiều người làm thông ngôn và
dân Tú-Thận (SOU-CHEN) mượn y phục ».