- Một đầu tượng Phật bằng đồng kiểu Gandhara (thuộc Trường phái
Bắc Ấn vào thế kỷ thứ 1).
- Nhiều chiếc nhẫn vàng chạm nổi hình bò thần NAN DIN, con bò
của thần Çiva cỡi.
- Ấn có khắc chữ Phạn và chữ Brahmi (ở vào thế kỷ thứ 2, thứ 5).
- Ngọc chạm chìm hình phụ nữ tế thần Lửa, hoặc dâng hoa, chứng
tỏ đạo Bà-la-môn phái thờ thần Çiva đã truyền bá ở Phù Nam.
Kế đến là cổ vật Trung Hoa, một mảnh gương bằng đồng đời Hậu
Hán (25-220) và tượng Phật nhỏ bằng đồng đời nhà Ngụy (386-557).
Đặc biệt nhất là cổ vật La Mã gồm có :
- Một huy chương vàng chạm hình Vua ANTONIN LE PIEUX đánh
dấu năm 152 D.L.
- Một đồng tiền vàng chạm hình MARC AURÈLE.
- Một loại ngọc (mã não) chạm hình như hình chuột kéo xe có gà
ngồi trên, hoặc thủy tinh có chạm lộng một cách « hoa tình ».
- Nhiều cổ vật bằng đồng, thiếc, kẽm do các nước miền Địa Trung
Hải sáng chế.
- Một cổ vật Ba-Tư đời SASSAMIDE (226-652 D.L.).
Các cổ vật liệt kê trên đại loại từ thế kỷ thứ 2 đến thứ 5 minh chứng
rằng từ các thế kỷ đầu D.L, Vương quốc Phù Nam đã có giao thương với
nước Trung Hoa, Mã Lai, Ấn Độ, La Mã Trung Đông. Không những hải
cảng Óc Eo chỉ tiếp thương thuyền các quốc gia mà thôi, cả những chiếc
KOLANDIA là chiến hạm hạng lớn chở hàng hóa của thương gia trong
các tỉnh ở vương quốc La Mã sát cạnh Hồng hải.
Các cổ vật « bản xứ » cho biết thị trấn Óc Eo là một trung tâm công
nghệ rất phong phú. Sản phẩm bằng đồng, thiếc cũng như nữ trang bằng
vàng, vàng nạm ngọc thạch đạt đến một kỹ thuật tinh vi. Riêng nghề nấu
thủy tinh và nghề chạm ngọc thạch, mã não cũng rất điêu luyện.