chiều dài những thế kỷ, ta càng thấy rõ hơn vai trò của điều kiện địa
lý.
Trung Đông là một trường hợp điển hình.
Vào thời điểm tôi viết những dòng này, khu vực từ Morocco đến
Afghanistan đang nằm ở trung tâm cuộc khủng hoảng của chính
quyền trung ương. Trật tự xưa của chế độ chuyên quyền đã trở nên
không thể chấp nhận, trong khi chính con đường dẫn tới dân chủ ổn
định lại quanh co. Giai đoạn đầu tiên của biến động lớn này đã thể
hiện sự thất bại của điều kiện địa lý bởi sức mạnh của công nghệ
truyền thông mới. Truyền hình vệ tinh và các trang web thuộc mạng
xã hội trên Internet đã tạo ra một cộng đồng duy nhất của những
người biểu tình trên khắp thế giới Arab: mục đích là sao cho những
người ủng hộ dân chủ ở những nơi vốn khác xa nhau như Ai Cập,
Yemen và Bahrain cùng lấy được cảm hứng từ những gì đã bắt đầu
ở Tunisia. Thế là đã có một điểm chung trong tình hình chính trị của
tất cả các quốc gia này. Nhưng khi những cuộc nổi dậy đã hoàn tất,
người ta lại thấy mỗi quốc gia ấy đều có câu chuyện riêng được dẫn
dắt bởi ảnh hưởng của lịch sử lâu đời và hoàn cảnh địa lý của chính
mình. Vì thế, khi càng biết nhiều hơn về lịch sử và địa lý của một
quốc gia Trung Đông nào đó, người ta càng ít bị ngạc nhiên hơn bởi
những sự kiện của nó.
Chính vì thế mà có lẽ cuộc biến động đã được khơi mào tại
Tunisia chỉ phần nào mang tính ngẫu nhiên. Một bản đồ thời cổ đại
kinh điển cho thấy có sự tập trung các khu định cư tại nơi mà ngày
nay là Tunisia, liền kề và tương phản với sự trống vắng tương đối
đặc trưng cho Algeria và Libya thời hiện đại. Nhô sâu vào Địa Trung
Hải gần đảo Sicily, Tunisia là trung tâm dân số của Bắc Phi không
chỉ trong thời đại người Carthage và Roma mà cả dưới thời người