chiến tranh liên Triều, một cuộc đấu tiềm năng với Mỹ về Đài Loan
và những hành động cướp biển hoặc khủng bố đối với tàu buôn
Trung Quốc tại eo biển Malacca cùng những eo biển khác của
Indonesia. Mặt khác, Trung Quốc đang tranh chấp một số đảo trên
vùng biển giáp Nhật Bản và Biển Đông (Việt Nam), vì muốn mở rộng
lãnh hải của mình để thăm dò, khai thác đáy biển có thể giàu tài
nguyên. Trước đây Trung Quốc và Nhật Bản đã tuyên bố tranh chấp
chủ quyền đối với các đảo Điếu Ngư/Senkaku; sau đó tranh chấp
với Đài Loan, Philippines và Việt Nam đối với một số hoặc tất cả các
đảo thuộc quần đảo Trường Sa, và quần đảo Hoàng Sa (với riêng
Việt Nam). Trên Biển Đông, Trung Quốc còn có tranh chấp nghiêm
trọng với Malaysia và Brunei. Đặc biệt, trong trường hợp quần đảo
Điếu Ngư/Senkaku, cuộc tranh chấp này đã giúp Trung Quốc kích
động lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc mà nó có thể cần đến bất
kỳ lúc nào. Nhưng mặt khác, đó là một bức tranh biển buồn cho
chiến lược của hải quân Trung Quốc. Thực vậy, theo lời của James
Holmes và Toshi Yoshihara, giáo sư tại Học viện Hải quân, ở Thái
Bình Dương, Trung Quốc vấp phải một thứ “Vạn Lý Trường Thành
trên biển”, hình thành từ những sức mạnh ủng hộ Mỹ được tổ chức
rất tốt trên các đảo thuộc dãy đảo thứ nhất, tựa như những tháp bảo
vệ trải khắp từ Nhật Bản đến Australia, tất cả đều có khả năng ngăn
chặn lối ra đại dương của Trung Quốc. Các nhà chiến lược Trung
Quốc cũng đã nhận ra bức tranh này và nổi khùng lên vì hải quân
của mình bị vây kín đến thế.
Trung Quốc phản ứng lại với vòng vây này khá là hung hăng, đó
là điều có thể gây ngạc nhiên, bởi vì sức mạnh biển nói chung là
phải mềm mỏng, tinh tế hơn so với sức mạnh trên đất liền. Trong
thực tế, mặc dù có những vũ khí với độ chính xác cao, hải quân