Do đó, cũng giống như việc Đài Loan xây dựng hệ thống phòng thủ
mà không có ý định đụng độ với Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng
làm như vậy đối với Hoa Kỳ. Mỗi bên đều cố gắng tìm cách nắn
chỉnh hành vi của đối phương, trong khi vẫn tâm niệm không đi quá
xa tới chiến tranh. Chính những cuộc phô diễn các hệ thống vũ khí
mới (mà Erickson và Yang đã nói tới), đó là chưa nói tới việc tôn tạo,
xây dựng những cơ sở cảng biển trên Thái Bình Dương và Ấn Độ
Dương, cũng như khối lượng lớn viện trợ quân sự mà Bắc Kinh
đang cung cấp cho những quốc gia ven biển nằm giữa lãnh thổ
Trung Quốc và Ấn Độ Dương, tất cả đều là sự thể hiện sức mạnh
mà bản chất của nó không còn là bí mật. Tuy nhiên, có một số cảnh
phô diễn này chứa đựng yếu tố gây khó chịu: ví dụ, Trung Quốc
đang xây dựng một căn cứ hải quân lớn trên mũi phía nam đảo Hải
Nam, nằm ở trung tâm Biển Đông, có cả những kết cấu tầng ngầm
chứa tới 20 tàu ngầm hạt nhân và diesel-điện. Một hành động như
thế đã vượt xa chuyện gây ảnh hưởng đến hành vi của đối phương;
nó thể hiện sự khẳng định rõ ràng về chủ quyền đối với vùng nước
vây quanh theo kiểu thuần khiết của học thuyết Monroe. Trung Quốc
đang đặt nền móng cho sự mở rộng trong tương lai của mình, theo
đó nó sẽ kiểm soát toàn bộ Đông Nam Á và Địa Trung Hải châu Á,
nhưng đồng thời cùng tìm cách phát triển một lực lượng hải quân
biển khơi nhằm bảo vệ các tuyến giao thông liên lạc đường biển của
nó với Trung Đông ở phía bên kia Ấn Độ Dương, một tình thế sẽ tạo
thuận lợi cho nó quản lý một cuộc xung đột tiềm năng với Hoa Kỳ.
Tạm thời, Trung Quốc không có lý do gì để đi đến chiến tranh với
Hoa Kỳ, nhưng tình hình này có thể thay đổi trong tương lai gần.
Cùng lúc đó, Đài Loan sẽ xích lại gần hơn với Trung Quốc, khiến
cho quân đội Trung Quốc có điều kiện chuyển hướng chú ý sang Ấn