lịch sử và cho công lý xã hội. Trái ngược lại với Iran, thế giới Arab
Sunni, mặc dù cũng sở hữu những nhà cải cách và hiện đại hóa của
mình, như Rashid Rida và Muhammad Abduh vào cuối thế kỷ XIX và
đầu thế kỷ XX, nhưng trong thời gian dài họ đã không biết đến
những sự đảo lộn diễn ra trong lịch sử triết học được Hegel và Marx
khởi xướng. Khác với những chiến binh Mujahidin Afghanistan rất
bảo thủ, hoặc khác với những chế độ quân sự nghẹt thở cao độ của
thế giới Arab, cách mạng Iran trong những năm 1980 cho rằng mình
đang tham gia một phong trào tương tự với những người Sandino ở
Nicaragua và phong trào ANC tại Nam Phi. Mặc dù chế độ tôn giáo
đã tự suy yếu đi trong những năm gần đây, và nó chỉ còn được duy
trì thêm nhờ vào bạo lực, nhưng bản chất về học thuyết và bản chất
trừu tượng của những cuộc đấu tranh nội bộ đang diễn ra sau hậu
trường đang minh chứng cho sự phát triển đi lên của nền văn hóa
Iran. Iran là một nhà nước vừa mạnh hơn lại vừa có tổ chức hơn so
với phần còn lại của khu vực Trung Đông, ngoại trừ Israel và Thổ
Nhĩ Kỳ. Cuộc cách mạng Hồi giáo đã không phá vỡ nó, mà trái lại nó
đã tự lồng ghép được vào đó. Chế độ ấy đã duy trì được quyền phổ
thông đầu phiếu và đã thiết lập một hệ thống tổng thống nay vẫn tiếp
tục đứng vững, bất chấp sự lạm dụng của cuộc bầu cử 2009 có sự
gian lận từ phía những người thuộc phái tôn giáo và các lực lượng
gìn giữ trật tự.
Một lần nữa, những gì làm cho chế độ giáo sĩ Iran trở nên hiệu
quả đến thế trong tiến trình theo đuổi những lợi ích của mình trên
khắp Trung Đông, từ Lebanon đến Afghanistan, đó chính là sự hòa
nhập của nó với nhà nước Iran, vốn là sản phẩm của lịch sử và của
địa lý. Phong trào Xanh, một phong trào đã nổi lên trong quá trình
các cuộc biểu tình chống chế độ với số lượng lớn người tham gia