thật sự bị chiếm đóng ở mức độ cao nhất trong số các quốc gia vệ
tinh, trong khi Nam Tư, do không chính thức là thành viên Hiệp ước
Warszawa, nên được chút tự do hơn, nhất là ở các thành phố, điều
không thể có được, chẳng hạn, ở Tiệp Khắc. Tuy nhiên, nhìn chung,
các quốc gia đông nam Âu thuộc Turk và Byzantine xưa đã phải khổ
sở không khác mấy so với một chế độ chuyên chế phương Đông,
được ví như một cuộc xâm chiếm lần thứ hai của Mông Cổ, trong
khi những quốc gia châu Âu thuộc đế chế Habsburg Công giáo xưa
chủ yếu chỉ phải chịu đựng một sự pha trộn buồn tẻ với mức độ
khác nhau của chủ nghĩa dân túy xã hội chủ nghĩa cấp tiến, nhìn
chung ít độc hại hơn. Có thể thấy rõ sự khác biệt như thế qua một
chuyến du khảo từ xứ sở Hungary tương đối tự do thời Janos Kadar
đến Romania thời chế độ độc tài Ceaușescu. Tôi đã thường xuyên
thực hiện các chuyến đi như thế trong những năm 1980: khi chuyến
tàu chở tôi từ Hungary vào đất Romania, tôi thấy ngay chất lượng
vật liệu xây dựng đột nhiên trở nên xấu xí; người ta nặng tay với
hành lý của tôi và còn yêu cầu tôi đưa tiền hối lộ vì chiếc máy chữ
của mình; trong nhà vệ sinh đèn thì mờ, giấy vệ sinh thì không có.
Đúng là Balkan đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của Trung Âu, nhưng họ
cũng chịu ảnh hưởng không kém bởi Trung Đông. Thảo nguyên bụi
bặm với những không gian công cộng hầu như không có chiếu sáng
của Kosovo và Macedonia là những thứ gợi nhớ đến Anatolia nhiều
hơn là Praha và Budapest. Như vậy, không hoàn toàn ngẫu nhiên,
cũng không hoàn toàn do bàn tay của những cá nhân ác ý mà bạo
lực đã nổ ra trong các cộng đồng pha trộn tộc người ở Nam Tư, điều
không xảy ra tại các quốc gia Trung Âu với sự đồng nhất sắc tộc,
như Hungary và Ba Lan. Lịch sử và địa lý chắc đã có sự liên đới thế
nào đó với câu chuyện này.