Tuy nhiên, Added Dawisha viết, “… mặc dù phần lớn lịch sử của
Iraq là độc tài, song điều này không phải là một định mệnh, và nền
dân chủ sẽ có thể bén rễ tại đất nước này.” Hiện nay, tuy Iraq đang
phải đấu tranh để tránh trượt trở lại vào chế độ độc tài hay phải
chống chọi với tình trạng hỗn loạn bộ lạc, nhưng cần phải nhớ rằng
trong giai đoạn 1921-1958, nền dân chủ gần như đã được vận hành
ở đây. Hơn nữa, chính hoàn cảnh, vị trí địa lý cũng còn bị giải thích
khác nhau. Mặc dù thiên hướng của nó là nghiêng về sự phân chia
các nhóm người, Lưỡng Hà, như Marshall Hodgson đã nhận xét,
từng là một thực thể chính trị từ thời cổ đại, và phổ rộng những nền
văn hóa được tạo ra bởi các dòng sông Tigris và Euphrates, thay vì
đóng vai một nhân tố chia rẽ, có thể sẽ trở thành nguồn lực giàu có
chủ yếu của khu vực.
Tuy nhiên, bất cứ nền dân chủ Iraq nào nổi lên trong thập kỷ thứ
hai của thế kỷ XXI cũng sẽ mong manh, tham nhũng, không hiệu
quả và rất không ổn định, và không nghi ngờ gì rằng sẽ còn có nhiều
vụ ám sát chính trị. Bất chấp nguồn tài nguyên giàu có phi thường
về dầu hỏa của đất nước và quân đội của nó do Hoa Kỳ huấn luyện,
Nhà nước này vẫn sẽ yếu ớt trong thời gian tới. Các phe phái đối
kháng sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính và chính trị từ các nước
láng giềng, trong đó có Arab Saudi và Iran, do vậy, đến một mức độ
nào đó, họ sẽ trở thành đồ chơi của những quốc gia này. Tình hình
Iraq sẽ có thể giống như của Lebanon bị giằng xé bởi cuộc nội chiến
những năm 1970 và 1980. Nhưng do lợi ích được chờ đợi là quá lớn
(phe chiến thắng sẽ có được nguồn tài sản dầu mỏ vô cùng phong
phú), nội chiến Iraq chắc chắn sẽ khốc liệt hơn và kéo dài lâu hơn.
Tham vọng của chính quyền Bush là tạo ra một pháo đài thân
phương Tây ở trung tâm của thế giới Arab, nhưng để làm được việc