Như nó từng được thuyết trình và bảo vệ trong những công trình
của các nhà trí thức thông thái và hùng biện, ý tưởng Trung Âu theo
nghĩa rộng đã thực sự là một sự nghiệp cao quý và một kiểu mẫu
cho chính sách đối ngoại, một hình mẫu mà các quốc gia phương
Tây cần theo (điều mà tôi sẽ chứng minh), nhưng nó vẫn chứa đựng
một vấn đề cơ bản mà dưới đây tôi cũng buộc phải xem xét.
Bởi lẽ vẫn có một vướng mắc liên quan với ý niệm cao quý này,
đó là một thực tế đáng buồn thường biến ý tưởng Trung Âu thành
một cái gì đó bi thảm trong suốt chiều dài lịch sử: ý tưởng Trung Âu
không được biện luận trên cơ sở của bất cứ một đường biên giới cụ
thể nào, nói cách khác, không gian này không được phân định theo
một địa hình tự nhiên nào. Trung Âu đơn giản là không tồn tại như
một thực thể xác định trên bản đồ tự nhiên. (Garton Ash đã thể hiện
khả năng trực giác này trong nhan đề bài báo của mình: “Liệu Trung
Âu có thực sự tồn tại?”). Bây giờ chúng ta hãy nhường lời cho các
nhà Quyết định luận địa lý (những người có giọng điệu khá gay gắt
và khinh thường so với giọng điệu nhẹ nhàng của Isaiah Berlin): đặc
biệt là giọng điệu thời vua Edward của Ngài Halford Mackinder J. và
đệ tử của ông là James Fairgrieve, những người cho rằng với họ ý
tưởng Trung Âu có một “khiếm khuyết địa lý chết người”. Theo họ,
không gian mà người ta gọi là Trung Âu ăn khớp với khu vực cọ xát
và bùng nổ giữa những sức mạnh cận biển vốn hướng về những
“lợi ích đại dương” và “những sức mạnh lục địa vốn định vị ở
Heartland”. Tóm lại, Trung Âu khi thì rơi vào vùng ảnh hưởng của
phía này, khi thì của phía kia trong hai sức mạnh kể trên, nên về mặt
chiến lược, trong quan niệm của Mackinder và Fairgrieve “không có
không gian” cho Trung Âu. Việc tán dương Trung Âu, niềm đam mê
chính đáng đối với nó từ phía các trí thức cánh tả, theo ý kiến từ