phải hành động cùng với các lực lượng ấy, chứ không đối lập lại
chúng.” Như vậy, chủ nghĩa hiện thực chấp nhận những con người
như họ hiện hữu, với mọi sự không hoàn thiện vốn có của họ. “Nó
cần đến tiền lệ lịch sử nhiều hơn là những nguyên tắc trừu tượng và
nhắm tới đích thực hiện cái ít tệ hại hơn là cái tốt tuyệt đối.” Ví dụ,
để xét đoán xem tương lai nào sẽ chờ đón Iraq vào thời điểm ngay
sau khi lật đổ chế độ độc tài toàn trị, một người theo chủ nghĩa hiện
thực sẽ xem xét lịch sử của chính Iraq được luận giải qua bản đồ và
quan hệ giữa các nhóm sắc tộc, chứ không phải là căn cứ vào
những quy tắc đạo đức dân chủ phương Tây. Xét cho cùng, theo
Morgenthau, những ý định tốt không đủ để đưa đến những kết quả
tích cực. Ông giải thích rằng, Chamberlain được dẫn dắt bởi những
cân nhắc về quyền lực cá nhân ít hơn so với hầu hết các chính trị
gia người Anh khác, và ông đã thực sự cố gắng tìm cách đảm bảo
hòa bình và hạnh phúc cho tất cả các bên liên quan. Nhưng các
chính sách của ông đã mang lại nỗi đau vô kể cho hàng triệu người.
Trong khi đó, Winston Churchill trên thực tế đã được thúc đẩy bởi
những cân nhắc trần trụi về quyền lực cá nhân và quốc gia, nhưng
các chính sách của ông đã có một hiệu ứng tinh thần vô song. Về
sau, Paul Wolfowitz, cựu thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã được thúc
đẩy bởi những ý định tốt nhất khi biện luận cho cuộc tiến quân vào
Iraq, với niềm tin rằng nó sẽ cải thiện tình hình nhân quyền ở đó rất
nhiều, nhưng hành động của ông ta đã dẫn đến điều ngược lại với
những gì chính ông từng dự kiến. Mở rộng thêm điểm này ta thấy
điều đơn giản là một quốc gia theo con đường dân chủ không có
nghĩa là chính sách đối ngoại của nó nhất thiết sẽ phát huy được tốt
hơn hoặc sáng tỏ hơn so với những gì tương ứng của một nhà
nước chuyên chế. Bởi lẽ “nhu cầu phải làm vừa lòng những cảm xúc