phản ứng lại nó một cách thái quá. Họ hiểu rằng xu hướng đi tới
thống trị là một yếu tố tự nhiên trong mọi tương tác của con người,
đặc biệt là giữa các quốc gia. Morgenthau trích dẫn John Randolph
của Roanoke để nói rằng “chỉ có sức mạnh mới có thể hạn chế
được quyền lực.” Do đó, những người theo chủ nghĩa hiện thực
không tin rằng các tổ chức quốc tế tự thân chúng có thể đóng vai trò
chủ chốt đối với hòa bình, bởi lẽ các tổ chức này chỉ đơn thuần là
phản ánh sự thỏa hiệp giữa các quốc gia thành viên, những quốc
gia, xét cho cùng, quyết định vấn đề hòa bình và chiến tranh. Và,
trong quan niệm của Morgenthau, sự cân bằng ấy của hệ thống
quyền lực bản thân nó theo định nghĩa đã là không ổn định: bởi vì
mỗi quốc gia thành viên, khi nó có sự lo lắng do một toan tính sai
của mình đối với cán cân quyền lực đều phải không ngừng tìm giải
pháp bù đắp lại bằng cách chiếm lĩnh một vị trí vượt trội hơn trong
cán cân. Đây chính xác là những gì đã mở đường dẫn tới Thế chiến
I, khi nước Áo Habsburg, nước Đức Wilhelmine và nước Nga Sa
hoàng cùng tìm cách điều chỉnh cán cân quyền lực theo hướng có
lợi cho mình, và đã tính nhầm nghiêm trọng. Morgenthau viết rằng,
xét cho cùng, duy chỉ có sự hiện hữu một lương tâm luân lý phổ
quát là nhân tố hạn chế được sự xuất hiện của chiến tranh, theo đó
chiến tranh được xem như là một “thảm họa tự nhiên”, chứ không
phải là một hệ quả tự nhiên của chính sách đối ngoại của một ai đó.
Sau thời kỳ bạo lực ở Iraq từ 2003 đến 2007, tất cả chúng ta đều
tuyên bố là trong một thời gian ngắn mình đã trở nên có óc thực tế,
hoặc chúng ta đã tự trấn an mình như vậy. Nhưng giả như chấp
nhận cái cách mà Morgenthau định nghĩa chủ nghĩa hiện thực, thì
liệu điều đó có thực sự đúng? Ví dụ, phải chăng hầu hết những
người phản đối chiến tranh Iraq trên cơ sở chủ nghĩa hiện thực cũng