phản ánh chính xác cách mà các nhà nước đang cư xử trên thực tế,
đằng sau bề mặt khoa trương dựa trên những giá trị của họ.
Những người theo chủ nghĩa hiện thực đánh giá trật tự cao hơn
tự do: đối với họ, tự do trở nên quan trọng hơn chỉ sau khi trật tự đã
được thiết lập. Tại Iraq, trật tự, thậm chí theo những tham chiếu của
chế độ độc tài toàn trị, hóa ra vẫn nhân văn hơn tình trạng thiếu trật
tự sau khi chế độ ấy sụp đổ. Và bởi lẽ một chính phủ thế giới mãi
mãi vẫn sẽ là một thứ gì đó không thể với tới được, vì sẽ không bao
giờ có được sự thỏa thuận căn bản về những phương tiện để cải
thiện điều kiện xã hội, do vậy, thế giới theo định mệnh buộc phải
chịu sự cai trị của những kiểu thể chế khác nhau, ở đôi nơi còn là
những chế độ bộ tộc và sắc tộc. Những người theo chủ nghĩa hiện
thực, kể từ người Hy Lạp và Trung Quốc cổ đại cho đến triết gia
Pháp Raymond Aron hồi giữa thế kỷ XX và người đương thời theo
chủ thuyết của ông ở Tây Ban Nha, José Ortega y Gasset, đều từng
tin rằng chiến tranh là hiện tượng tự nhiên gắn liền một cách cố hữu
với sự phân chia nhân loại thành các quốc gia và những tập hợp
khác của con người. Thật vậy, không có chuyện chủ quyền, cũng
không có chuyện những liên minh nổi lên mà không có lí do: chúng
đều có cơ sở là những sự khác biệt và chênh lệch. Trong khi các tín
đồ toàn cầu hóa nhấn mạnh những gì liên kết nhân loại, thì những
người theo chủ nghĩa hiện thực truyền thống lại nhấn mạnh những
gì chia rẽ chúng ta.
Và bây giờ chúng ta quay lại với bản đồ, một công cụ phản ánh
sự phân chia không gian nhân loại – đối tượng ưa thích đặc biệt của
những mô tả hiện thực. Bản đồ không phải luôn luôn nói lên sự thật.
Chúng thường mang tính chủ quan, như bất cứ đoạn văn xuôi nào.
Những tên gọi kiểu châu Âu đặt cho những mảng lớn của châu Phi