chính trị của những quốc gia ấy. Địa lý thông báo nhiều hơn là quyết
định. Do đó, địa lý không đồng nghĩa với thuyết định mệnh. Nhưng,
giống như sự phân bố của chính những sức mạnh kinh tế và quân
sự, nó có thể là một trở ngại lớn, nhưng cũng có thể là động lực lớn
đối với hoạt động của các quốc gia.
Nicholas J. Spykman, giáo sư Đại học Yale, chiến lược gia lớn
người Mỹ gốc Hà Lan thời kỳ đầu Thế chiến II, đã viết vào năm 1942
rằng “địa lý không tranh luận. Nó chỉ đơn giản là nó.” Ông nói tiếp:
Địa lý là yếu tố cơ bản nhất trong chính sách đối ngoại của
các quốc gia, bởi vì nó là cố định nhất. Các bộ trưởng đến rồi
đi, thậm chí những kẻ độc tài cũng chết đi, nhưng những dãy
núi thì vẫn mãi đứng đó một cách bình thản. George
Washington, người bảo vệ 13 tiểu bang bằng một đội quân rách
rưới, rồi đã được Franklin D. Roosevelt kế tục với những nguồn
lực của cả một lục địa dưới quyền chỉ huy của mình, nhưng Đại
Tây Dương vẫn tiếp tục chia tách châu Âu với Hoa Kỳ và các
cảng trên sông St. Lawrence đến nay vẫn bị băng đóng chặt
trong những mùa đông. Alexander Đệ nhất, Sa hoàng Nga, để
lại cho Joseph Stalin – đơn giản là một đảng viên Cộng sản,
không chỉ sức mạnh của mình, mà còn cả cuộc đấu tranh bất
tận của ông vì con đường tiếp cận ra biển, còn Maginot và
Clemenceau đã được thừa kế từ Caesar và Louis XIV sự lo
lắng về đường biên giới mở của Đức.
Và người ta có thể bổ sung thêm, rằng bất chấp sự kiện 11
tháng 9, Đại Tây Dương vẫn còn quan trọng, và, trên thực tế, chính
Đại Tây Dương là yếu tố dẫn đến một chính sách ngoại giao và
quân sự của Hoa Kỳ khác với của châu Âu. Cũng theo dòng suy