Nhưng việc bao quát bản đồ tự nhiên có tính đến vai trò của núi
non và con người không có nghĩa là nhìn thế giới như nó hoàn toàn
phục tùng theo sự thúc đẩy của tình trạng chia rẽ sắc tộc và giáo
phái, tức là những gì chống lại toàn cầu hóa. Thực tiễn diễn biến
phức tạp hơn rất nhiều. Toàn cầu hóa tự nó đã thúc đẩy sự tái sinh
chủ nghĩa địa phương được xây dựng trong nhiều trường hợp trên ý
thức sắc tộc và tôn giáo, luôn gắn liền với những cảnh quan đặc thù,
và do đó được giải thích tốt nhất qua tham chiếu các bản đồ tự
nhiên. Điều này là do sức mạnh hay quyền lực sinh ra từ thông tin
đại chúng và hội nhập kinh tế đã làm suy yếu sức mạnh nhiều quốc
gia, bao gồm cả những nước đã được hình thành một cách nhân
tạo, không thuận theo những mệnh lệnh của điều kiện địa lý, do đó
tạo ra những khu vực xung đột thường xuyên và một thế giới bị chia
vụn và luôn lung lay. Nhờ có công nghệ thông tin liên lạc, các phong
trào Liên minh Hồi giáo giành được thêm sức mạnh trên toàn bộ
vòng cung Hồi giáo Á-Phi, nhưng nó cũng đã tạo thuận lợi cho
những cuộc nổi dậy của dân chúng trong nhiều quốc gia Hồi giáo
riêng rẽ.
Hãy xem Iraq và Pakistan, những quốc gia mà theo ngôn ngữ
địa lý có thể được cho là hai quốc gia được thiết lập một cách phi
logic nhất trong không gian giữa Địa Trung Hải và tiểu lục địa Ấn Độ,
trong khi bản đồ tự nhiên lại thể hiện mạnh mẽ rằng Afghanistan mới
đúng là một quốc gia yếu. Đúng là Iraq đã tan vỡ vì Hoa Kỳ. Nhưng
chế độ độc tài Saddam Hussein (mà tôi đã được tận mắt chứng kiến
khá cặn kẽ trong những năm 1980, và thực sự là tồi tệ nhất trong
thế giới Arab) bản thân nó có thể đã được quy định bởi địa lý.
Vả chăng, mỗi nhà độc tài Iraq kể từ cuộc đảo chính quân sự
đầu tiên vào năm 1958 đều buộc phải trở nên thô bạo hơn so với