như chúng ta nói, thành một nền văn minh thế giới, và ngày càng
tách rời khỏi cội rễ của mình. Sự thẩm tra về điều đó sẽ được trình
bày sau trong cuốn sách. Trong khi chờ đợi, tôi muốn tiếp tục với
McNeill, người đã rất chú ý tới khí hậu và địa lý, vượt qua tất cả,
thậm chí đi xa hơn nhiều so với Spengler, và cũng dễ hiểu hơn
nhiều.
Ví dụ, McNeill viết rằng người Aryan đã phát triển một tính cách
văn hóa khác ở đồng bằng sông Hằng Ấn Độ, ít hiếu chiến hơn so
với chính họ ở Địa Trung Hải châu Âu, do ảnh hưởng của rừng và
chu kỳ gió mùa của tiểu lục địa là những thứ khuyến khích sự chiêm
nghiệm và hiểu biết về tôn giáo. Trong một ví dụ khác, ông viết rằng
“sự phát triển sớm” của Ionia thuộc Hy Lạp là nhờ có vị trí cận kề và
sự liên hệ mật thiết với vùng Tiểu Á và phương Đông. Và cũng chính
ở đây, McNeill rút lui khỏi Quyết định luận một cách công khai: bởi
vì, mặc dù địa hình núi non của Hy Lạp vốn có khuynh hướng dẫn
đến sự thành lập các đơn vị chính trị nhỏ, tức là các thành phố-nhà
nước (thành quốc), ông đã phải nhận xét một cách thận trọng rằng,
trong nhiều trường hợp, có “những dải đất đai màu mỡ rộng lớn liền
kề nhau cũng đã bị phân chia vụn” thành những thành quốc tách biệt
rõ ràng, và như vậy điều kiện địa lý có thể chỉ là một phần của câu
chuyện. Và trên tất cả, tất nhiên, còn có lịch sử của người Do Thái,
một trường hợp diễn ra ngược lại với logic chung của tính liên tục
địa lý của những tôn giáo lớn (đặc biệt là của đạo Hindu và đạo
Phật), và do vậy, cũng là trường hợp mà McNeill đã phải cố gắng
hết sức để kết luận: sự phá hủy hoàn toàn của cộng đồng Do Thái ở
xứ Judea, hậu quả của việc triệt hạ những cuộc khởi nghĩa hồi thế
kỷ I-II bởi người Roma, đã không xóa bỏ được đạo Do Thái, mà tôn
giáo này đã tồn tại một cách không thể ngờ được để tiến hóa và