xuất phát từ sự liên tưởng giữa một bên là niềm tin đúng đắn rằng khoa học
lịch sử, khác với các khoa học lí thuyết, quan tâm đến những sự kiện đơn lẻ
cụ thể và đến những nhân cách đơn lẻ chứ không phải đến những quy luật
trừu tượng chung, và một bên là niềm tin sai lầm cho rằng có thể đồng nhất
các cá thể “cụ thể” mà khoa học lịch sử quan tâm với những toàn thể “cụ
thể” hiểu theo nghĩa (a). Nhưng không thể lẫn lộn và đồng nhất như vậy;
bởi giống như các loại hình nghiên cứu khác, khoa học lịch sử chỉ có thể
nghiên cứu những khía cạnh đã được chọn lọc của đối tượng mà nó quan
tâm mà thôi. Thật sai lầm nếu tin rằng có một thứ khoa học lịch sử hiểu
theo nghĩa chủ toàn, một thứ sử học về các “Nhà nước Xã hội”, hiện chân
của “toàn bộ cơ chế xã hội”, hay của “mọi sự kiện xã hội và lịch sử của một
thời đại”. Tư tưởng này xuất phát từ một cái nhìn trực giác đối với lịch sử
nhân loại, coi lịch sử này giống như một dòng chảy lớn và có thể dễ dàng
nhận biết của quá trình phát triển. Nhưng không cách gì viết được một cuốn
lịch sử như thế. Mỗi cuốn lịch sử được viết ra chỉ là lịch sử của một khía
cạnh hạn hẹp nhất định nào đó của quá trình phát triển “toàn diện” ấy, và
dẫu gì thì cũng chỉ là một lịch sử rất không hoàn chỉnh kể cả về khía cạnh
đặc thù thiếu hoàn chỉnh đã được lựa chọn.
Những khuynh hướng chủ toàn của thuyết Không Tưởng và của thuyết sử
luận đều được quy tụ trong lời tuyên bố mang tính đặc trưng sau: “Chúng ta
chưa bao giờ sắp đặt và điều khiển được toàn bộ hệ thống của tạo hóa một
cách trọn vẹn như giờ đây ta buộc phải làm với xã hội của mình, và vì thế
cũng chưa bao giờ ta đi sâu vào lịch sử và vào cấu trúc của những thế giới
cá biệt của tạo hóa. Loài người có xu hướng... muốn quy chỉnh toàn bộ đời
sống xã hội của mình, nhưng chưa hề có ý bắt tay tạo dựng một giới tạo hóa
thứ hai...” (K, Mannheim, sđd, trang 175 tiếp sang trang 176). Lời tuyên bố
này đã minh họa niềm tin sai lầm cho rằng nếu chúng ta là những nhà chủ
toàn và mong muốn nghiên cứu và xử lí “một cách hoàn chỉnh toàn bộ hệ
thống tạo hóa” thì phương pháp lịch sử là hữu hiệu hơn cả. Thế nhưng,
những bộ môn khoa học tự nhiên có tiếp nhận phương pháp này, chẳng hạn
địa chất, cũng còn xa mới nắm bắt được “toàn bộ hệ thống” đối tượng
nghiên cứu của chúng. Tuyên bố trên còn minh họa cho một quan niệm sai