Những định luật phổ quát đưa ra những lời khẳng định liên quan đến một số
trật tự bất biến nhất định, như Huxley đã nói, tức là liên quan đến toàn bộ
mọi quá trình thuộc một thể loại nào đó; và mặc dù không có lí do gì để
việc quan sát một trường hợp cá lẻ lại không khiến chúng ta phát biểu một
định luật phổ quát, hoặc không có lí do gì ngăn cản ta chạm được đến chân
lí nếu ta gặp may, nhưng rõ ràng là bất cứ định luật nào, dù được đưa ra
theo lối ấy hay bất kể lối nào khác, đều phải được mang ra trắc nghiệm đối
với những trường hợp mới trước khi được khoa học xem xét đến một cách
nghiêm túc. Nhưng ta không thể hi vọng trắc nghiệm được một giả thuyết
phổ quát cũng như tìm được một định luật tự nhiên mà khoa học chấp nhận
một khi ta chỉ giới hạn vào phép quan sát hoặc vào một quá trình lịch sử
duy nhất. Việc quan sát một quá trình lịch sử duy nhất cũng không giúp
được ta dự đoán sự phát triển tương lai của nó. Việc quan sát thật kĩ lưỡng
một con sâu róm đang phát triển cũng chẳng giúp được ta tiên đoán rồi nó
sẽ biến thành con ngài. Để áp dụng quan điểm này cho lịch sử xã hội loài
người - điều mà ta quan tâm chính ở đây - thì luận cứ mà ta dựa vào đã
được H. A. L. Fisher phát biểu ra bằng những lời lẽ như sau: “Con người...
đã nhận thức được từ trong lịch sử một mưu toan, một nhịp sống, một mô
hình tiền định... Riêng tôi chỉ thấy được có sự nổi hiện này tiếp nối sự nổi
hiện kia mà thôi..., chỉ thấy được một sự thực vĩ đại mà cứ theo đó - vì nó là
sự thực duy nhất - thì không thể khái quát hóa được bất cứ cái gì...” (Xem
H. A. L Fisher, History of Europe (Lịch sử Châu Âu), tập I, trang 7. Xem
thêm F. A. von Hayek, sđd, Economica, tập X, trang 58, trong đó tác giả phê
phán nỗ lực “tìm kiếm những định luật nơi mà xét theo tính chất tự nhiên
của sự việc là không có quy luật, trong sự nối tiếp nhau của những hiện
tượng lịch sử đơn nhất và cá biệt”)
Phản đối những lời lẽ trên bằng cách nào đây? Những người tin vào định
luật tiến hóa thường đứng trên hai lập trường chính. Họ có thể (a) phủ nhận
ý kiến của ta cho rằng quá trình tiến hóa là đơn nhất; hoặc (b) khẳng định
rằng trong một quá trình tiến hóa, cứ cho là đơn nhất đi, ta vẫn có khả năng
nhận ra được một xu thế, hay khuynh hướng, hay hướng đi, và rằng ta có
quyền đưa ra một giả thuyết để ghi nhận xu thế này, và dùng kinh nghiệm