SỰ NGHÈO NÀN CỦA THUYẾT SỬ LUẬN - Trang 137

học gọi là “tĩnh”. Nhận xét này là vô cùng quan trọng khi ta xét đến những
đòi hỏi của thuyết sử luận, trong chừng mực mà sự thành công của những
tiên đoán dài hạn của thiên văn học phụ thuộc hoàn toàn vào đặc tính lặp đi
lặp lại (đặc tính tĩnh theo cách hiểu của nhà xã hội học) của Hệ Mặt Trời -
phụ thuộc vào việc ở đây chúng ta có thể không tính đến bất cứ triệu chứng
nào của một sự phát triển lịch sử. Do đó chắc chắn là sai lầm nếu ta giả định
rằng những tiên đoán động lực học dài hạn ấy về một hệ ổn định lại xác
định khả năng đưa ra những lời tiên tri lịch sử trên quy mô lớn đối với
những hệ thống xã hội không ổn định.

Việc áp dụng cho xã hội những thuật ngữ khác những thuật ngữ nêu trên
thuộc lĩnh vực vật lí học cũng hàm chứa những sự ngộ nhận rất giống thế.
Thường thì việc áp dụng như vậy không có hại gì. Chẳng hạn như nếu ta
mô tả những thay đổi trong tổ chức xã hội, những thay đổi về các phương
pháp sản xuất,.v..v., xem chúng như những chuyển động, thì chẳng có gì
hại. Nhưng phải ý thức được rằng thuần túy ta đang sử dụng một phép ẩn
dụ, và là một phép ẩn dụ dễ gây nhầm lẫn. Bởi vì, trong vật lí học, khi nói
về sự chuyển động của một vật thể hay một hệ thống các vật thể, ta không
hề có hàm ý nói rằng vật thể hay hệ thống đó đang phải chịu một sự thay
đổi nội tại hay bất kì một sự thay đổi mang tính cấu trúc, mà chỉ muốn nói
rằng vị trí của nó thay đổi tương đối so với một hệ quy chiếu (được tùy
chọn) nhất định nào đó mà thôi. Ngược lại với điều này, nhà xã hội học hiểu
một “chuyển động [hay chuyển biến] của xã hội” là một sự thay đổi bên
trong, hay một sự thay đổi nào đó về cấu trúc, vậy là một cách hiển nhiên,
nhà xã hội học mặc định rằng một sự chuyển biến của xã hội phải được giải
thích bằng các “lực tác động”, trong khi đó thì nhà vật lí mặc định rằng chỉ
phải giải thích những thay đổi về chuyển động chứ không cần giải thích bản
thân sự chuyển động. (Điều này xuất phát từ định luật quán tính. Để có
được một ví dụ về việc sử dụng định luật Pythagoras trong một nỗ lực “duy
khoa học” một cách tiêu biểu nhằm tính toán các “lực lượng chính trị”, xin
xem lại ví dụ trong chú thích thuộc mục 20 - Lối tiếp cận công nghệ đối với
xã hội học)

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.