Những ý niệm về tốc độ của một sự chuyển biến xã hội, hay về đường đi
của nó, về quỹ đạo của nó, về hướng đi của nó cũng chẳng gây tổn hại gì
một khi chúng được sử dụng chỉ để dẫn dắt trực giác; nhưng nếu được đem
sử dụng với ý đồ gì đó kiểu như những ý đồ muốn khoa học hóa mọi việc
thì chúng đơn giản sẽ biến thành một thứ biệt ngữ duy khoa học, hoặc nói
chính xác hơn là chúng sẽ biến thành một thứ biệt ngữ mang tính chủ toàn.
Hẳn nhiên là, bất cứ kiểu thay đổi nào của một nhân tố xã hội đo đếm được
- ví dụ như sự tăng dân số đều có thể được biểu diễn như một đường trên đồ
thị, không khác gì đường đi của một vật thể đang chuyển động. Nhưng rõ
ràng là một biểu đồ như vậy không hề mô tả cái mà mọi người vẫn hiểu là
sự chuyển biến của xã hội - rõ ràng là một dân số ổn định vẫn có thể hứng
chịu một biến động xã hội toàn diện. Tất nhiên là chúng ta có quyền và có
thể kết hợp bất cứ một số lượng biểu đồ nào để tạo ra một biểu tả đa chiều.
Nhưng không thể coi một biểu đồ kết hợp như vậy đại diện cho đường đi
của một chuyển biến của xã hội được; nó không cho ta biết được gì nhiều
hơn là sự tập hợp của những biểu đồ đơn lẻ; nó không hề diễn tả bất cứ một
sự chuyển biến nào của “toàn thể xã hội”. Ý tưởng về sự chuyển biến của
bản thân xã hội - ý tưởng cho rằng xã hội, giống như một vật thể vật lí, có
thể chuyển động như một toàn thể dọc theo một đường đồ thị nào đó nhất
định và theo một hướng nào đó nhất định - chỉ là một sự nhầm lẫn mang
tính duy toàn. (Ta có thể đánh giá được việc sử dụng những từ như “chuyển
động”, “lực”, “hướng” đã tạo ra sự nhầm lẫn đến mức nào qua hi vọng
của nhà sử học nổi tiếng người Mỹ là Henry Adams muốn xác định tiến
trình lịch sử bằng cách cố định hai vị trí của hai điểm trên đường đồ thị của
nó - một điểm được định vị ở thế kỉ 13 còn điểm kia nằm ở thời của ông.
Ông tự nhận xét về đồ án của mình như sau: “Với hai điểm này... ông hi
vọng sẽ phóng chiếu được những đường đồ thị tiến vô hạn về phía trước và
lùi vô hạn về phía sau...”, bởi vì, ông lập luận “bất cứ một học sinh trung
học nào cũng đều hiểu rằng con người, với tư cách là một lực, phải được
đo đếm thông qua chuyển động xuất phát từ một điểm cố định” (The
Education of Henry Adams, 1918, trang 434). Tôi xin trích dẫn Waddington
(Science and Ethics, trang 17) như một ví dụ gần đây hơn, ông này nói:
“Hệ thống xã hội là một cái gì đó mà sự tồn tại của nó phải bao hàm sự