một ví dụ) đã tồn tại dai dẳng hàng trăm năm hoặc thậm chí hàng nghìn
năm rất có thể thay đổi chỉ trong một thập kỉ, hay có khi còn nhanh hơn thế.
Điều quan trọng là cần phải nhận rõ rằng định luật và xu thế là hai cái khác
hẳn nhau. (Tuy nhiên, một định luật lại có thể khẳng định rằng, trong một
số hoàn cảnh nhất định (những điều kiện ban đầu) ta có thể tìm được một
số xu thế nhất định; hơn nữa, khi đã giải thích một xu thế theo cách ấy thì
người ta có thể phát biểu một định luật phù hợp với xu thế; xem chú thích
cuối của mục 28). Không còn nghi ngờ gì nữa, chính thói quen đánh đồng
xu thế với định luật, cộng với phép quan sát các xu thế (chẳng hạn như tiến
bộ kĩ thuật) bằng trực giác, đã truyền cảm hứng cho những luận thuyết
trung tâm của chủ thuyết duy tiến hóa và chủ thuyết sử luận - những luận
thuyết nói về những định luật bất biến của quá trình tiến hóa sinh học và về
những định luật không thể đảo ngược của vận động xã hội. Và rồi cũng
chính những nhầm lẫn và những trực giác như thế đã truyền cảm hứng cho
học thuyết của Comte về các định luật của sự nối tiếp nhau - một học thuyết
đến nay vẫn còn nhiều ảnh hưởng.
Kể từ Comte và Mill, sự phân biệt giữa những định luật về sự cùng tồn tại
(được coi như tương ứng với tĩnh học) và những định luật về sự nối tiếp
nhau (được coi như tương ứng với động lực học) bắt đầu nổi tiếng, hiển
nhiên được lí giải một cách hợp lí; tức là được xem như sự phân biệt giữa
những định luật không liên quan đến thời gian và những định luật có sự can
thiệp của thời gian (chẳng hạn những định luật có liên quan đến tốc độ).
(Cũng nên nhớ rằng nền kinh tế cân bằng chắc chắn là một nền kinh tế
mang tính năng động [hay mang tính động lực học] (hiểu theo nghĩa là
“hợp lí”, trái với cách hiểu của Comte), mặc dù trong phương trình của nó
không có yếu tố thời gian, bởi lý thuyết này không hề khẳng định rằng ở
đâu đó có sự cân bằng; nó chỉ khẳng định rằng đi tiếp liền mỗi sự xáo trộn
(mà những xáo trộn thì xảy ra bất kể lúc nào) đều có một sự điều chỉnh -
thông qua một sự “dịch chuyển” [hay chuyển động] về phía cân bằng.
Trong vật lí học, tĩnh học là lí thuyết về cân bằng chứ không phải về sự
chuyển động về phía cân bằng; một hệ tĩnh học không hề chuyển động)