Nhưng điều này lại không hề đúng với tinh thần của Comte và của những
người theo trường phái của ông. Khi nói đến những định luật về sự nối tiếp
nhau, Comte nghĩ đến những định luật về một loạt những hiện tượng “động
lực học” xảy ra theo trình tự chúng ta quan sát được. Thế nhưng điều quan
trọng là phải nhận thấy rằng những định luật “động lực học” về sự nối tiếp
nhau như Comte quan niệm là không hề tồn tại. Trong động lực học chắc
chắn là không tìm thấy những thứ định luật như thế (tôi nói chính xác về
môn động lực học). Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, những gì xem ra gần
gũi nhất với loại định luật này - và hẳn là Comte dựa vào đó - là những cái
mang tính chu kì như sự luân chuyển của bốn mùa, của các tuần trăng, sự
tái diễn của các kì nhật thực, hoặc có lẽ sự đung đưa của con lắc đồng hồ.
Thế nhưng trong vật lí học thì những chu kì kiểu này lại được mô tả là
mang tính động lực học (mặc dù ổn định), còn Comte lại hiểu là chúng
mang tính “tĩnh” chứ không phải “động”; và bất luận thế nào thì ta cũng
khó có thể xem chúng như những định luật (bởi chúng lệ thuộc vào những
điều kiện đặc biệt chiếm ưu thế trong Hệ Mặt Trời, xem mục tiếp sau). Tôi
xin được gọi đó là những “tựa định luật về sự tiếp nối nhau”.
Điểm mấu chốt ở đây là: mặc dù ta thừa sức có thể mặc định là sự nối tiếp
nhau thực sự của các hiện tượng diễn ra tuân theo những định luật của tự
nhiên, nhưng điều quan trọng là phải thấy rằng trên thực tế không có một
chuỗi, cứ cho là gồm ba hay nhiều hơn ba, các sự kiện cụ thể mang tính
nhân quả nào diễn ra tuân theo bất cứ một định luật đơn lẻ nào của tự
nhiên. Nếu gió thổi rung cây rồi quả táo của Newton rơi xuống đất, thì
chẳng ai dám phủ nhận việc những sự kiện ấy có thể được mô tả trên cơ sở
của các định luật nhân quả. Nhưng không có một định luật đơn lẻ nào,
chẳng hạn như định luật hấp dẫn, hay thậm chí một tập hợp hữu hạn đơn lẻ
các định luật nào dùng để mô tả được sự nối tiếp nhau đích thực hoặc cụ thể
của các sự kiện nối kết với nhau theo luật nhân quả; ngoài lực hấp dẫn, ta
còn phải tính đến những định luật giải thích áp suất của gió; những chuyển
động nghiêng ngửa của cành cây; vết giập của cuống táo khi bị rụng; tất cả
những thứ đó lại còn phải kèm theo với quá trình hóa học diễn ra ở vết giập
nữa,.v..v. Ý tưởng cho rằng bất cứ một chuỗi hay một sự nối tiếp nhau nào