biến chuyển dọc theo một đường đồ thị tiến hóa...” và (trang 18) “tính chất
của sự đóng góp của khoa học cho đạo đức học... là việc làm sao soi sáng
được tính chất tự nhiên, đặc tính và hướng đi lên của quá trình tiến hóa của
thế giới xét như một toàn thể...”)
Đặc biệt hơn cả, niềm hi vọng một ngày nào đó ta sẽ tìm ra những “định
luật chuyển động của xã hội”, y như kiểu Newton đã tìm ra những định luật
chuyển động của các vật thể vật lí, hoàn toàn chỉ là kết quả của những sự
ngộ nhận nói trên. Bởi dù có hiểu theo cách nào đi nữa thì cũng không có
thứ chuyển động nào của xã hội giống hoặc tương tự với chuyển động của
các vật thể vật lí, cho nên chẳng thể có những định luật như vậy.
Nhưng mọi người có thể bẻ lại rằng, khó có thể nghi ngờ sự tồn tại của
những xu thế hay khuynh hướng của sự biến đổi xã hội: bất cứ nhà thống kê
học nào cũng đều tính toán được những xu thế như vậy. Liệu có mang so
sánh những xu thế này với định luật quán tính của Newton được không?
Câu trả lời là: những xu thế thì có, hay nói chính xác hơn, sự mặc định về
những xu thế thường là một công cụ thống kê hữu ích. Nhưng xu thế không
phải là định luật. Một phát biểu khẳng định sự tồn tại một xu thế là một
phát biểu tồn tại chứ không phải là một phát biểu phổ quát. Hơn nữa, một
định luật phổ quát không hề khẳng định sự tồn tại, mà ngược lại, như đã
được chỉ ra ở cuối mục 20, nó khẳng định rằng một cái gì đó hay một cái gì
đó khác là không thể có. (Xem cuốn “Logic phát kiến khoa học” của tôi,
mục 15, ở đó có nêu đầy đủ những lí do để xem những phát biểu tồn tại là
những phát biểu siêu hình (theo nghĩa phi khoa học); xem thêm chú thích
gần cuối của mục 28 dưới đây).
Còn một phát biểu khẳng định sự tồn tại của một xu thế tại một thời điểm
nhất định và một địa điểm nhất định hẳn phải là một phát biểu cá biệt có
tính lịch sử, chứ không thể là một phát biểu phổ quát. Tầm quan trọng thực
tiễn của tình huống logic này là rất đáng kể: trong khi ta có quyền đưa ra
những tiên đoán khoa học dựa trên cơ sở các định luật, thì ta lại không thể -
dù nhà thống kê học có thận trọng đến đâu - đưa chúng ra chỉ dựa trên cơ sở
sự tồn tại của các xu thế. Một xu thế (ta có thể vẫn coi sự tăng dân số như