điều đó, ta cần phân tích một cách kĩ lưỡng phương pháp quy giản hay
phương pháp diễn dịch ngược.
Ta có thể nói, ở mỗi thời điểm trong quá trình phát triển của mình, khoa học
luôn phải đối đầu với các vấn đề, các bài toán. Nó không xuất phát từ những
phép quan sát, hay từ “tập hợp các dữ kiện”, như một số nhà nghiên cứu về
phương pháp những tưởng. Trước khi có thể thu thập các dữ kiện, ta phải có
sẵn mối quan tâm đến một thể loại dữ kiện nào đó nhất định: vấn đề lúc nào
cũng xuất hiện trước. Đến lượt mình, vấn đề có thể được gợi ý bởi những
nhu cầu thực tiễn, hoặc bởi những niềm tin khoa học hay tiền khoa học, mà
những niềm tin này vì lí do nào đó xem ra cần được xem xét lại.
Thế nhưng theo lẽ thường thì một vấn đề khoa học lại nảy sinh từ nhu cầu
có được một lời kiến giải hay một lời giải thích. Theo Mill, ta phải phân
biệt ra hai trường hợp chính: lời kiến giải về một sự kiện cá lẻ hoặc một sự
kiện đặc thù riêng biệt, và lời kiến giải cho một sự lặp đi lặp lại theo trình tự
hoặc theo một định luật. Mill phát biểu điều này như sau: “Người ta nói
rằng, giải thích một thực kiện cá lẻ là chỉ ra được nguyên nhân sinh ra nó,
tức là, đưa ra được định luật hoặc những định luật... mà sự xuất hiện của
thực kiện ấy là một ví dụ. Chẳng hạn sẽ giải thích được một đám cháy lớn
khi chứng minh được nó là hậu quả của việc một đống nhiên liệu lớn bị bén
lửa; và cũng tương tự... người ta cho rằng giải thích... một định luật là chỉ ra
được một định luật (hay những định luật) khác mà định luật đó là một
trường hợp có thể được suy ra từ định luật (hay những định luật) kia” (Mill,
sđd, cuốn III, chương XII, mục 1. Để hiểu thế nào là “nguồn suy” hay phép
“diễn dịch ngược” mà Mill gọi là những “định luật thường nghiệm”, xin
xem thư mục đã dẫn, chương XVI, mục 2). Trường hợp kiến giải một định
luật chính là trường hợp về sự “diễn dịch ngược”, và do đó rất quan trọng
đối với nghiên cứu của chúng ta.
Xét về tổng thể thì cách kiến giải của Mill về một phép kiến giải, hay đúng
hơn là về một phép kiến giải nhân quả, là hoàn toàn chấp nhận được. Nhưng
đối với một số mục đích nhất định thì nó chưa đủ độ chính xác; và việc
thiếu chính xác này lại đóng một vai trò quan trọng đối với câu chuyện mà