đầu và hướng chúng ta đến tương lai theo một hướng nhất định không ai
cưỡng lại được. Chúng là nền tảng của những lời tiên tri phi điều kiện, đối
lập với những tiên đoán khoa học có điều kiện.
Thế còn đối với những ai nhận ra được những xu thế như vậy phải phụ
thuộc vào một số điều kiện, và đang cố tìm để phát hiện và trình bày những
điều kiện ấy một cách rành mạch thì sao đây? Về việc này tôi hoàn toàn
không phản đối gì. Ngược lại: những xu thế như vậy là có thật. Do đó mà
nhiệm vụ khó khăn của chúng ta là đem hết sức mình ra để làm sao giải
thích được chúng, tức là để xác định được càng chính xác càng tốt những
điều kiện khiến chúng trường tồn (xem mục 32). (Nếu ta thành công trong
việc xác định được đầy đủ và hoàn toàn những điều kiện riêng D của một
xu thế riêng X thì ta có thể phát biểu định luật phổ quát sau: “Hễ khi nào
có được những điều kiện thuộc loại D thì lập tức sẽ có một xu thế thuộc loại
X”. Ý niệm về một dạng định luật kiểu như vậy là không có gì đáng phản
bác xét về mặt logic; nhưng nó khác rất xa so với ý niệm của Comte và Mill
đối với một thứ định luật về sự nối tiếp nhau vốn đặc trưng cho diễn tiến
chung của các sự kiện, giống như một xu thế tuyệt đối hay một định luật
toán học về dãy số. Mặt khác, ta làm cách nào để xác định được rằng
những điều kiện của chúng ta là những điều kiện đủ? Hoặc cũng một ý như
thế: ta làm cách nào để trắc nghiệm được một định luật có dạng nêu trên
(đừng quên rằng ta đang bàn về lập trường (b) của mục 27, vốn liên quan
đến quan điểm cho rằng có thể trắc nghiệm được xu thế)? Để trắc nghiệm
được một loại định luật như vậy ta cần phải nỗ lực một cách vất vả trong
việc tạo ra những điều kiện trong đó định luật không áp dụng được; với
mục đích đó ta phải cố chỉ ra rằng những điều kiện thuộc loại D là không
đủ, và rằng kể cả với sự hiện diện của chúng, không phải lúc nào một xu thế
thuộc loại X cũng xảy ra. Một phương pháp như thế (được phác họa trong
mục 32) là không có gì đáng chê trách. Nhưng nó không áp dụng được cho
những xu thế tuyệt đối của nhà duy lịch sử, bởi vì những xu thế này là
những thứ song hành tất yếu và tồn tại ở mọi ngóc ngách của cuộc sống xã
hội, và không thể bị loại bỏ bởi bất cứ sự can thiệp khả dĩ nào của các điều
kiện xã hội (ở đây ta lại một lần nữa nhận thấy đặc tính “siêu hình” của