29. TÍNH THỐNG NHẤT CỦA PHƯƠNG PHÁP
Trong mục trước tôi đã gợi ý rằng các phương pháp diễn dịch đang được
nghiên cứu ở đây là rất có ý nghĩa và được sử dụng một cách hết sức rộng
rãi - mà đến như Mill cũng chưa từng nghĩ tới. Suy nghĩ này tới đây sẽ được
tiếp tục xem xét nhằm làm rõ hơn cuộc tranh luận giữa chủ thuyết duy tự
nhiên và chủ thuyết phản tự nhiên. Trong mục này tôi sẽ đề xuất một luận
điểm về tính thống nhất của phương pháp; có nghĩa là, đề xuất một quan
điểm cho rằng mọi bộ môn khoa học lí thuyết hay khoa học khái quát hóa
đều sử dụng chung một loại phương pháp, dù là các bộ môn khoa học tự
nhiên hay các bộ môn khoa học xã hội (cho đến mục 31 tôi mới bàn đến các
khoa học lịch sử). Đồng thời tôi cũng sẽ bàn đến một số luận điểm của
thuyết sử luận mà cho đến giờ tôi chưa có dịp xem xét đầy đủ, ví dụ những
vấn đề về phép Khái Quát Hóa; về chủ thuyết Duy Bản Chất; về vai trò của
Nhận Thức Trực Giác; về Độ Thiếu Chính Xác Của Tiên Đoán; về Tính
Phức Hợp; và về việc áp dụng các Phương Pháp Định Lượng.
Tôi không có ý khẳng định rằng không hề có những khác biệt nhất định
giữa các phương pháp của những bộ môn khoa học lí thuyết về tự nhiên và
về xã hội; những sự khác biệt như vậy rõ ràng phải có, kể cả giữa các bộ
môn khoa học tự nhiên khác nhau, cũng như giữa các bộ môn khoa học xã
hội khác nhau (chẳng hạn, so sánh với việc phân tích các thị trường mang
tính cạnh tranh và việc phân tích các ngôn ngữ thuộc cùng ngữ hệ Roman).
Nhưng tôi đồng ý với Comte và Mill - và nhiều người khác, chẳng hạn như
C. Menger - rằng các phương pháp được sử dụng trong cả hai lĩnh vực là
giống nhau (dù những phương pháp mà tôi hình dung trong đầu rất có thể
khác với những phương pháp mà họ hình dung trong đầu). Phương pháp
nào cũng chỉ luôn nhằm đưa ra những kiến giải nhân quả mang tính suy
diễn, và nhằm trắc nghiệm chúng (thông qua những tiên đoán). Đôi khi cái
này được người ta gọi là phương pháp diễn-dịch-giả-thuyết (xem V. Kraft,
“Các hình thức cơ bản của phương pháp khoa học” (Die Grundformen Der
Wissenschaftlichen Methoden), 1925), hoặc thường được gọi là phương