chỉ là những công cụ vì chúng chỉ có thể tiện lợi hoặc không tiện lợi, kinh tế
hoặc không kinh tế, uyển chuyển và tinh tế hoặc lủng củng và thô lậu (do
vậy mà Duhem nhất trí với Berkeley rằng chẳng có lí do logic nào để không
cùng lúc chấp nhận hai hay nhiều lí thuyết mâu thuẫn với nhau). Tôi hoàn
toàn đồng tình với hai tác giả lớn này về việc phải vứt bỏ chủ thuyết quy
nạp cũng như niềm tin vào tính có giá trị hiệu lực mang tính tổng hợp một
cách tiên nghiệm của các lí thuyết vật lí; nhưng tôi không chấp nhận quan
điểm của họ cho rằng không thể nào dùng những phép trắc nghiệm thường
nghiệm để trắc nghiệm các hệ thống lí thuyết. Một số trong chúng là có thể
trắc nghiệm được, tôi nghĩ vậy; có nghĩa là, chúng có thể bị phủ bác; do đó
chúng mang tính tổng hợp (chứ không phải phân tích), thường nghiệm (chứ
không tiên nghiệm), mang tính thông tin (chứ không hoàn toàn mang tính
công cụ). Còn liên quan đến ý kiến phê phán nổi tiếng của Duhem đối với
những thí nghiệm then chốt thì ông chỉ chỉ ra được rằng những thí nghiệm
then chốt không bao giờ có thể chứng minh hoặc xác lập được một lí
thuyết; nhưng chẳng thấy ở đâu ông chỉ ra rằng những thí nghiệm then chốt
không thể bác bỏ một lí thuyết. Theo đó thì Duhem đã đúng khi ông nói
rằng chúng ta chỉ có thể trắc nghiệm được những hệ thống lí thuyết lớn và
phức hợp chứ khó có thể trắc nghiệm được những giả thuyết cô lập; nhưng
nếu ta trắc nghiệm hai hệ thống loại này vốn chỉ khác nhau ở một giả
thuyết, và nếu ta thiết kế được những thí nghiệm có khả năng bác bỏ hệ
thống đầu trong khi hệ thống sau được xác chứng một cách hoàn hảo, thì ta
có thể có cơ sở vững chắc khi gán thất bại của hệ thống đầu cho cái giả
thuyết khiến nó khác với hệ thống sau.)
Theo cách phân tích như vậy thì không có sự khác biệt lớn giữa kiến giải,
tiên đoán và trắc nghiệm. Sự khác biệt không phải là về mặt cấu trúc logic
mà là về mặt cái gì được nhấn mạnh; nó phụ thuộc vào việc chúng ta coi
đâu là bài toán mình cần giải quyết và đâu là không phải. Nếu bài toán của
chúng ta không phải là đưa ra dự đoán mà phải tìm cho được những điều
kiện ban đầu hay một số định luật phổ quát (hay cả hai) để từ đó suy ra một
“dự đoán” có sẵn, thì tức là ta đang đi tìm một lời giải thích (và “dự đoán”
có sẵn trở thành cái ta “phải giải thích”). Nếu coi các định luật và điều kiện