ở đây là một phương pháp “màu mỡ”; nó dẫn đến những phép quan sát mới
mẻ, và đến sự cho-nhận lẫn nhau giữa lí thuyết và quan sát.
Tôi tin rằng tất cả những điều nói trên không những chỉ đúng cho các môn
khoa học tự nhiên mà còn đúng cả cho các môn khoa học xã hội. Và trong
các môn khoa học xã hội thì việc ta không thể nhìn thấy hoặc quan sát thấy
những đối tượng của mình trước khi suy nghĩ về chúng thậm chí còn hiển
nhiên hơn là trong các môn khoa học tự nhiên. Bởi hầu hết những đối tượng
của khoa học xã hội, nếu không muốn nói tất cả, đều là những đối tượng
trừu tượng; chúng là những cấu trúc lí thuyết (dù ai có thấy lạ lẫm thì
“chiến tranh” hay “quân đội” thậm chí cũng chỉ là những khái niệm trừu
tượng. Những gì được coi là cụ thể, đó là rất nhiều người đã hi sinh; hoặc
đó là những người đàn ông và những phụ nữ mặc quân phục,.v..v.). Những
đối tượng ấy, những cấu trúc lí thuyết được sử dụng để diễn giải kinh
nghiệm của chúng ta, đều là kết quả của việc tạo dựng các mô hình (nhất là
những mô hình của các thiết chế), nhằm giải thích một số kinh nghiệm nhất
định nào đó - một phương pháp lí thuyết quen thuộc được sử dụng trong các
môn khoa học tự nhiên (nơi mà ta xây dựng cho mình những mô hình
nguyên tử, phân tử, chất rắn, chất lỏng,.v..v.). Cái đó chính là phương pháp
giải thích thông qua phép quy giản, hoặc thông qua phép diễn dịch xuất
phát từ các giả thuyết. Rất nhiều khi ta không ý thức được rằng ta đang làm
việc với những giả thuyết và những lí thuyết, và do đó ta nhầm lẫn cứ tưởng
những mô hình lí thuyết của mình là những thứ cụ thể. Đó là một sự nhầm
lẫn rất phổ biến. (So sánh khổ văn này và khổ tiếp theo với tác phẩm
Scientism And The Study Of Society, phần I và II, đăng trong tạp chí
Economica, các tập 9 và 10 của F. A. von Hayek, trong đó có nêu ý kiến phê
phán chủ thuyết tập thể phương pháp luận và có bàn chi tiết về chủ thuyết
cá nhân phương pháp luận).
Việc các mô hình được sử dụng theo cách này đã cắt nghĩa - và đồng thời
phá hủy - những luận điểm của chủ thuyết duy bản chất phương pháp luận
(xem lại mục 10). Nó cắt nghĩa chúng, vì mô hình là trừu tượng và mang
tính lí thuyết xét về đặc tính, và thế là ta bị buộc phải tin rằng ta nhìn thấy
nó, hoặc bên trong, hoặc đằng sau những sự kiện quan sát được đang biến