Tôi thừa nhận câu đầu của đoạn văn đã chỉ ra được những khác biệt nhất
định giữa khoa học xã hội và khoa học vật lí. Nhưng tôi tin rằng phần còn
lại là để biện hộ cho tính thống nhất của phương pháp, vì tôi chắc nếu đây
là một sự mô tả chính xác phương pháp của khoa học xã hội thì điều đó chỉ
ra rằng phương pháp này chỉ khác so với cách diễn giải về phương pháp của
khoa học tự nhiên mà chúng ta đã bác bỏ. Đây chủ yếu là tôi nói về cách
diễn giải theo quy nạp luận, một cách diễn giải cho rằng trong các bộ môn
khoa học tự nhiên, chúng ta xuất phát từ quan sát để đi một cách có hệ
thống đến với lí thuyết thông qua một số phương pháp khái quát hóa nhất
định, và còn cho rằng chúng ta có thể “kiểm đúng”, hoặc thậm chí chứng
minh, những lí thuyết của mình bằng một số phương pháp quy nạp nhất
định nào đó. Ở đây tôi đã bảo vệ một quan điểm khác hẳn - một cách diễn
giải đối với phương pháp khoa học xem nó như một phương pháp diễn dịch,
một phương pháp giả thuyết, một phương pháp chọn lọc thông qua phép
kiểm sai,.v..v.; và cách mô tả phương pháp của khoa học tự nhiên như thế
hoàn toàn phù hợp với cách mà Giáo sư Hayek mô tả phương pháp của
khoa học xã hội (tôi có đủ lí do để tin rằng cách diễn giải của mình về các
phương pháp của khoa học không hề bị ảnh hưởng bởi bất kì hiểu biết nào
về những phương pháp của khoa học xã hội, vì khi thoạt tiên phát triển ý
tưởng này, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến các môn khoa học tự nhiên mà thôi
chứ hoàn toàn không nghĩ chút gì đến các bộ môn khoa học xã hội). (So
sánh với những gì tôi viết trong tạp chí Erkenntnis, III, từ trang 426, và
cuốn Logik der Forschung của tôi (1935), mà phụ đề của nó có thể được
dịch ra là: “Về tri thức luận của các Khoa học Tự nhiên”)
Nhưng thậm chí những sự khác nhau được nói tới trong câu đầu của đoạn
trích dẫn cũng không có gì quan trọng lắm như thoạt tiên người ta tưởng.
Chắc chắn rằng ta có một thứ tri thức trực tiếp hơn về những gì xảy ra “bên
trong lòng nguyên tử nhân bản” so với tri thức mà ta có được về các nguyên
tử vật lí; nhưng loại tri thức này là loại tri thức trực giác. Nói cách khác,
một điều chắc chắn là chúng ta đang sử dụng tri thức của mình về chính bản
thân mình để đưa ra những giả thuyết về một số người khác, hay về tất cả
mọi người. Nhưng những giả thuyết này phải được mang ra trắc nghiệm,