học biết đâu rất có thể được quy giản thành vật lí học). Niềm tin này đồng
thời cũng là tàn dư của cách nhìn dân dã cho rằng những thực thể xã hội
như các thiết chế hay các hội đoàn là những thực thể tự nhiên cụ thể giống
như những đám đông tụ họp lại, chứ không như những mô hình trừu tượng
được kết cấu nhằm diễn giải một số mối quan hệ trừu tượng có chọn lọc
giữa các cá nhân.
Nhưng trên thực tế, có những lí do chính đáng để tin rằng không những
khoa học xã hội không phức tạp bằng vật lí học mà những tình huống xã hội
cụ thể cũng không phức tạp bằng những tình huống vật lí cụ thể. Bởi trong
hầu hết - nếu không muốn nói là trong tất cả - các tình huống xã hội, đều có
một yếu tố của tính có lí tính. Hiển nhiên là, mọi người gần như không bao
giờ hành động một cách hoàn toàn có lí tính (tức là, nếu được, họ sẽ cố tận
dụng tối đa mọi thông tin có trong tay nhằm đạt được bất kì mục đích nào
họ có thể đề ra), tuy vậy họ vẫn hành động ít nhiều một cách có lí tính; và
điều này tạo khả năng xây dựng những mô hình tương đối đơn giản về
những hành động và những tương tác của họ, và khả năng sử dụng những
mô hình đó như những phép gần đúng.
Tôi cảm thấy đúng là điểm sau cùng đã chỉ ra được một sự khác biệt đáng
kể giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - có lẽ là sự khác biệt quan
trọng nhất về mặt phương pháp, bởi những sự khác biệt kia, tức là những
khó khăn đặc thù trong việc tiến hành các thí nghiệm (xem phần cuối mục
24) và trong việc áp dụng các phương pháp định lượng (xem tiếp đoạn sau),
là những khác biệt xét về cấp độ chứ không phải xét về thể loại. Đối với
khoa học xã hội, ở đây tôi ám chỉ khả năng tiếp nhận cái gọi là phương
pháp xây dựng logic hay phương pháp xây dựng có lí tính, hay có thể là
“phương pháp đưa về không” (Xin tham khảo khái niệm “giả thuyết vô
hiệu” được bàn đến trong bài báo có nhan đề “Money Illusion and Demand
Analysis” của J. Marschak, đăng trong The Review of Economic Statistics,
tập XXV, trang 40. Phương pháp được mô tả ở đây có vẻ phần nào trùng
hợp với cái mà theo C. Menger thì giáo sư Hayek đã từng gọi đó là phương
pháp “phối hợp” [compositive]). Phương pháp này là phương pháp xây
dựng một mô hình dựa trên giả định về một sự duy lí hoàn hảo (và có lẽ dựa