30. KHOA HỌC LÝ THUYẾT VÀ KHOA HỌC
LỊCH SỬ
Luận đề về tính thống nhất của phương pháp khoa học - mà tôi vừa mới đưa
ra ý kiến ủng hộ việc áp dụng nó cho các môn khoa học lí thuyết - có thể
được mở rộng, trong những giới hạn nhất định, cho lĩnh vực các môn khoa
học lịch sử. Ta có thể làm việc này mà vẫn không quên sự khác biệt căn bản
giữa các môn khoa học lí thuyết và các môn khoa học lịch sử - chẳng hạn,
giữa một bên là xã hội học hay lí thuyết kinh tế, hay lí thuyết chính trị và
bên kia là lịch sử xã hội, kinh tế, và chính trị - một sự phân biệt từng thường
xuyên được các sử gia nổi tiếng khẳng định một cách chắc nịch. Đó là sự
phân biệt giữa mối quan tâm đến những định luật phổ quát và mối quan tâm
đến những thực kiện riêng lẻ. Tôi rất muốn bảo vệ quan điểm này, một quan
điểm mà các sử gia thường hay phản đối và coi là lỗi thời, theo đó, lịch sử
được đặc trưng bởi mối quan tâm của nó đến những sự kiện thực tế, đơn lẻ
hay đặc thù, chứ không phải những định luật hay những sự khái quát hóa.
Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với những phân tích về phương pháp
khoa học, nhất là về phép kiến giải nhân quả, được đề cập ở những mục
trước. Sự việc đơn giản như sau: trong khi các khoa học lí thuyết chủ yếu
quan tâm đến việc phát hiện và trắc nghiệm các định luật phổ quát thì các
khoa học lịch sử lại chấp nhận mọi loại định luật phổ quát và chủ yếu quan
tâm đến việc phát hiện và trắc nghiệm những phát biểu ghi nhận riêng.
Chẳng hạn, khi có sẵn trước mắt một sự kiện riêng “cần được giải thích”, họ
sẽ đi tìm bằng được những điều kiện riêng ban đầu (kèm theo đó là mọi thứ
định luật phổ quát đôi khi chẳng mấy quan trọng) để giải thích "điều cần
được giải thích” đó. Hoặc họ có thể trắc nghiệm một giả thuyết đơn lẻ bằng
cách sử dụng chính nó kèm thêm những phát biểu ghi nhận đơn lẻ khác như
một điều kiện ban đầu, và bằng cách xuất phát từ những điều kiện ban đầu
ấy (một lần nữa kèm với mọi thứ định luật phổ quát đôi khi chẳng mấy
quan trọng) để suy diễn ra một “dự báo” mới nào đó có thể mô tả được một
sự kiện vốn từng xảy ra rất lâu trong quá khứ, và vốn có thể đối chiếu với