kiện đơn lẻ chỉ có thể là nguyên nhân của một sự kiện đơn lẻ khác - là kết
quả - trong mối tương quan với một số định luật phổ quát nhất định (Điều
này đã được Max Weber xem xét đến. Những nhận xét ở trang 179 trong
cuốn Ges. Schr. zur Wissenschaftslehre (1922) của ông có lẽ là gần gũi nhất
theo tôi được biết với cách phân tích ở đây. Nhưng tôi cho là Weber đã
nhầm khi ông gợi ý rằng sự khác nhau giữa khoa học lí thuyết và Khoa học
lịch sử nằm ở cấp độ khái quát của những định luật được sử dụng). Nhưng
rất có thể những định luật này là những thứ quá tầm thường, hầu như gắn
với kiến thức thường nhật mà ta không cần nhắc đến và cũng hiếm khi để ý
đến. Khi ta nói Giordano Bruno chết vì bị thiêu trên giàn thiêu thì ta cũng
đâu có cần phải viện đến định luật phổ quát cho rằng mọi sinh linh đều sẽ
chết trong môi trường nhiệt độ quá cao. Nhưng một định luật như vậy đã
luôn được ngầm định trong cách kiến giải nhân quả của chúng ta.
Trong những lí thuyết do nhà sử học chính trị đề xuất tất nhiên là có một số
lí thuyết thuộc lĩnh vực xã hội học - chẳng hạn như thuộc môn xã hội học
quyền lực. Nhưng theo thông lệ thì nhà sử học sử dụng cả những lí thuvết
này mà không ý thức được về chúng. Chủ yếu anh ta không sử dụng chúng
như những định luật phổ quát nhằm giúp trắc nghiệm những giả thuyết của
mình, mà sử dụng chúng một cách mặc nhiên trong hệ thuật ngữ của mình.
Trong khi bàn về các chính thể, các quốc gia, các quân đội, anh ta thường
sử dụng một cách vô thức những “mô hình” mà phép phân tích xã hội học
khoa học hay tiền khoa học cung cấp (xem mục tiếp sau).
Có thể nhận thấy rằng không chỉ có các khoa học lịch sử là giữ một thái độ
như vậy đối với những định luật phổ quát. Hễ thực sự đem áp dụng khoa
học cho một bài toán đơn lẻ hay đặc thù là ta lại vấp phải tình huống này.
Chẳng hạn, nhà hóa học ứng dụng không mấy khi dựa vào bất cứ định luật
phổ quát nào khi định phân tích một hỗn hợp nào đó - ví dụ như một mẩu
đất đá. Thay vào đó, anh ta áp dụng, có lẽ cũng chẳng cần suy nghĩ nhiều,
một vài kiến thức chuyên môn thông thường mà xét từ góc độ logic thì đó là
những phép trắc nghiệm đối với các giả thuyết đơn lẻ kiểu như “hỗn hợp
này có chứa lưu huỳnh”. Mối quan tâm của anh ta chủ yếu mang tính lịch
sử - mô tả một tập hợp các sự kiện, hoặc một vật thể vật lí đơn lẻ.