Tôi tin rằng cách phân tích này nêu rõ được nội dung những cuộc luận
chiến quen thuộc giữa một số nhà nghiên cứu về phương pháp của môn sử
học. Nhóm các nhà sử luận khẳng định rằng sử học - bộ môn không chỉ có
nhiệm vụ liệt kê các thực kiện mà còn phải cố gắng thể hiện chúng thông
qua một số mối liên kết nhân quả nhất định - cần phải quan tâm đến việc
trình bày những định luật lịch sử, bởi về căn bản, tính nhân quả có nghĩa là
sự xác định bằng định luật. Nhóm kia, trong đó có cả một số nhà sử luận,
thì lập luận rằng kể cả những thực kiện “đơn nhất” - những thực kiện chỉ
xảy đến một lần và chẳng có chút nào là “khái quát” - cũng rất có thể là
nguyên nhân của những thực kiện khác, và rằng chính kiểu quan hệ nhân
quả này là kiểu mà môn sử học quan tâm. Giờ đây ta có thể thấy mỗi nhóm
đều có phần đúng phần sai. Cả định luật phổ quát lẫn những sự kiện đặc thù
đều cần thiết cho bất cứ phép kiến giải nhân quả nào, nhưng ngoài những
môn khoa học lí thuyết thì những định luật phổ quát thường tỏ ra không
mấy quan trọng.
Điều này dẫn đến vấn đề về tính đơn nhất của các sự kiện lịch sử. Trong
chừng mực mà phép kiến giải lịch sử về những sự kiện tiêu biểu còn liên
quan mật thiết đến chúng ta thì những sự kiện ấy nhất thiết phải được xem
như là tiêu biểu, xem như thuộc loại hình hay lớp các sự kiện, vì chỉ như thế
mới có thể áp dụng được phương pháp kiến giải nhân quả mang tính diễn
dịch. Tuy nhiên, sử học không chỉ quan tâm giải thích những sự kiện đặc
thù mà còn quan tâm đến việc mô tả một sự kiện đặc thù như nó vốn thế.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sử học chắc chắn là mô
tả những sự kiện xảy ra trong toàn bộ tính độc đáo và đơn nhất của chúng;
có nghĩa là, phải bao hàm được cả những khía cạnh mà nó không tìm cách
giải thích bằng quan hệ nhân quả, thể như tính đồng thời “ngẫu nhiên” của
những sự kiện mà giữa chúng không hề có một mối quan hệ nhân quả nào.
Hai nhiệm vụ này của sử học, gỡ rối những mối dây nhân quả và mô tả cách
thức mà những mối dây ấy “ngẫu nhiên” đan dệt vào nhau, đều thiết yếu cả,
và chúng bổ sung cho nhau; một lúc nào đó có thể coi một sự kiện là tiêu
biểu, tức là xem nó từ góc độ của sự kiến giải nhân quả, để rồi lúc khác nó
lại là đơn nhất.