ý tưởng đã được định trước, hoặc được quyền bỏ qua những thực kiện
không vừa khuôn (để biết thêm về ý kiến phê phán đối với luận thuyết cho
rằng mọi tri thức lịch sử đều tương đối, xin xem Hayek, Economica, tập X,
từ trang 55). Trái lại, tất cả những bằng chứng có thể dùng được có liên
quan với quan điểm của chúng ta đều phải được xem xét một cách kĩ lưỡng
và khách quan (hiểu theo nghĩa của “tính khách quan khoa học”, sẽ được đề
cập ở mục sau). Nhưng điều đó còn muốn nói rằng ta không cần thiết phải
bận tâm lắm đến tất cả những thực kiện và khía cạnh không liên quan đến
quan điểm của chúng ta và do đó chúng không quan trọng với chúng ta.
Những cách tiếp cận chọn lọc như vậy đáp ứng được các chức năng trong
nghiên cứu lịch sử, mà ít nhiều những chức năng ấy cũng tương tự như
những chức năng của các lí thuyết trong khoa học. Do đó cũng dễ hiểu vì
sao chúng thường được coi là những lí thuyết. Và đúng vậy, những ý tưởng
hiếm hoi vốn có trong những cách tiếp cận ấy có thể được trình bày dưới
dạng những giả thuyết có khả năng trắc nghiệm được, dù đó là những giả
thuyết đơn lẻ hay phổ quát, và thế là chúng được xem như những giả thuyết
khoa học. Nhưng nhìn chung, những “cách tiếp cận” hay “quan điểm” lịch
sử này không thể mang ra trắc nghiệm được. Chúng không thể bị bác bỏ, và
do đó những khẳng định không tranh cãi được chính là những khẳng định
vô giá trị, kể cả chúng có nhiều như sao trời. Chúng ta sẽ gọi một thứ quan
điểm chọn lọc hay một thứ tâm điểm của mối quan tâm mang tính lịch sử
như vậy - nếu không thể trình bày nó như một giả thuyết có thể mang ra trắc
nghiệm - là một sự diễn giải lịch sử.
Thuyết sử luận lẫn lộn những diễn giải như vậy với những lí thuyết. Đó là
một trong những sai lầm cốt yếu của thuyết sử luận, chẳng hạn, ta có thể
diễn giải “lịch sử” như lịch sử đấu tranh giai cấp, hoặc như lịch sử đấu tranh
chủng tộc để giành quyền là chủng tộc thượng đẳng, hoặc như lịch sử tư
tưởng tôn giáo hoặc lịch sử đấu tranh giữa xã hội “mở” và xã hội “khép
kín”, hoặc như lịch sử của tiến bộ khoa học và công nghiệp. Tất cả đều là
những quan điểm mang tính quan trọng không ít thì nhiều và không có gì
đáng chê trách. Nhưng các nhà sử luận lại không trình bày chúng đúng như
thế. Họ không nhìn ra sự cần thiết của tính đa dạng trong những cách diễn