32. LÝ THUYẾT THIẾT CHẾ VỀ TIẾN BỘ
Để những nhận định của chúng ta bớt phần trừu tượng, trong mục dưới đây
tôi sẽ cố phác ra những nét chính của một lí thuyết về tiến bộ khoa học và
công nghiệp. Bằng cách này tôi sẽ cố minh họa những ý niệm được phát
triển trong bốn mục cuối; nhất là ý niệm về logic thiết chế và ý niệm về thứ
chủ nghĩa cá nhân phương pháp luận không liên quan tới tâm lí học. Tôi
chọn ví dụ về tiến bộ khoa học và công nghiệp vì chắc chắn đó là hiện
tượng đã gây cảm hứng cho thuyết sử luận của thế kỉ 19, và vì tôi đã có bàn
đôi điều về quan điểm của Mill đối với chủ đề này.
Như ta còn nhớ, Comte và Mill đã từng cho rằng tiến bộ là một xu hướng
vô điều kiện và tuyệt đối, một xu hướng có thể được quy thành những định
luật về bản tính tự nhiên của con người. “Một định luật về sự nối tiếp
nhau,” Comte viết, “ngay cả khi được biểu lộ với mọi thứ thẩm quyền khả
dĩ thông qua phương pháp quan sát lịch sử, cũng không thể được hoàn toàn
chấp nhận trước khi nó được quy giản một cách có lí tính thành lí thuyết
thực chứng về bản tính tự nhiên của con người...” (Comte, Cours de
philosophie positive, IV, trang 335), ông tin rằng định luật về sự tiến bộ
luôn có thể được suy diễn từ một khuynh hướng của những cá nhân vốn
thúc đẩy họ phải ngày càng hoàn thiện bản tính tự nhiên của mình. Mill
hoàn toàn tán thành tất cả điều đó và tìm cách quy giản định luật của ông về
tiến bộ thành cái ông gọi là “tính tiến bộ của tâm trí con người” mà “động
lực...” đầu tiên vốn là “... lòng thèm khát những tiện nghi vật chất ngày
càng tăng” (Mill, Logic, cuốn VI, Chương X, mục 3; đoạn sau là trích từ
mục 6 khi lí thuyết được triển khai chi tiết hơn). Theo cả Comte lẫn Mill thì
đặc tính vô điều kiện hoặc tuyệt đối của xu hướng hay cái tựa-định-luật này
cho phép ta từ đó suy ra những bước đi hay những giai đoạn đầu tiên của
lịch sử mà không cần phải tìm hiểu bất cứ điều kiện hoặc phép quan sát hay
dữ kiện lịch sử ban đầu nào (Comte, sđd, IV, trang 345). Về nguyên tắc,
toàn bộ tiến trình lịch sử đều được suy diễn theo lối đó; chỉ duy nhất có một
trở ngại, như Mill đã nêu ra, đó là đối với “một dãy dài đến như vậy..., mỗi