Tôi chỉ mới phác qua một vài điều kiện mang tính thiết chế mà tiến bộ khoa
học và công nghiệp phải phụ thuộc vào sự tồn tại của những điều kiện ấy.
Điều quan trọng là giờ đây phải nhìn ra được rằng không thể gọi hầu hết
những điều kiện đó là những điều kiện tất yếu [điều kiện cần], và rằng toàn
bộ chúng có tập hợp lại thì cũng chưa phải là những điều kiện đủ.
Đó không phải là những điều kiện cần, vì dẫu những thiết chế như vậy có
thiếu vắng (ngoại trừ ngôn ngữ) thì ta cũng không chắc là không có tiến bộ
khoa học. Xét cho cùng, “tiến bộ” đã được hình thành từ lời nói rồi sau đó
được viết ra, mà thậm chí còn trước đó nữa (mặc dù nói cho đúng thì những
bước phát triển sớm này có lẽ không phải là tiến bộ khoa học).
Mặt khác, và điều này còn quan trọng hơn, ta phải thấy rằng dù với một tổ
chức mang tính thiết chế khả quan nhất thì rồi một ngày kia tiến bộ khoa
học vẫn rất có thể bất ngờ dừng lại. Chẳng hạn biết đâu sẽ xảy ra một trận
dịch của thuyết thần bí. Điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra, vì ngay đến
một số trí thức còn phản ứng với tiến bộ khoa học (hoặc với những nhu cầu
về một xã hội mở) bằng việc co mình vào thuyết thần bí, chứ nói gì đến bất
kì ai. Hẳn có thể làm mất tác dụng của một khả năng như vậy bằng việc tạo
ra hàng loạt các thiết chế xã hội, như những thiết chế giáo dục để chống lại
tính đồng đều về mặt quan điểm và để khuyến khích tính đa dạng. Đồng
thời, ý niệm về tiến bộ và sự nhiệt tình truyền bá ý niệm đó rất có thể có
phần nào tác dụng. Nhưng tất cả những cái đó không khiến tiến bộ trở nên
chắc chắn. Bởi về mặt logic chúng ta đâu có thể loại bỏ được khả năng về
một thứ tạm cho là "vi trùng" hoặc "virus" chuyên gieo rắc sự thèm khát đối
với Niết Bàn.
Vậy là ta phải thấy rằng thậm chí những thiết chế bền vững và tốt đẹp nhất
cũng không bao giờ có thể tránh khỏi thất bại. Như tôi từng nói: “Những
thiết chế giống như những pháo đài. Chúng cần được thiết kế thật tốt và có
một đội quân đồn trú thiện nghệ”. Nhưng không bao giờ ta chắc chắn rằng
nghiên cứu khoa học luôn hấp dẫn được những con người xứng đáng. Ta
cũng không lấy làm chắc là luôn có những người có đầu óc tưởng tượng
thiên phú để phát minh ra những giả thuyết mới mẻ. Và cuối cùng thì trong