Trước tiên phải thấy rằng luận cứ chống lại việc sử dụng các phương pháp
định lượng trong khoa học xã hội là có liên quan đến vấn đề này. Việc chú
trọng vào tính chất định tính của những sự kiện xã hội cùng với việc chú
trọng đến nhận thức trực giác (đối lập với phép mô tả thuần túy) đã bộc lộ
một thái độ rất gần gũi với quan điểm duy bản chất.
Nhưng còn có những luận cứ khác điển hình hơn của thuyết sử luận xuất
phát từ một lối tư duy xem ra gần gũi với cách nghĩ của mọi người (nhân
đây cũng nói thêm rằng trên thực tế chúng giống hệt những luận cứ mà
Aristotle cho rằng đã dẫn Plato tới chỗ phát triển luận thuyết đầu tiên của
mình về bản chất cốt yếu).
Thuyết sử luận nhấn mạnh tầm quan trọng của sự biến đổi. Thế là nhà sử
luận lập luận rằng nhất thiết trong mỗi quá trình biến đổi phải tìm được cái
gì đó thay đổi. Thậm chí nếu không có thứ gì còn được giữ nguyên thì ta
vẫn phải nhận dạng được cái gì đã thay đổi để có thể nói về sự thay đổi chứ.
Trong vật lí học điều đó không khó lắm. Trong cơ học, chẳng hạn, mọi biến
đổi đều là những chuyển động, tức là những biến đổi về mặt không gian và
thời gian, của các vật thể vật lí. Nhưng vì chủ yếu quan tâm đến các thiết
chế xã hội nên xã hội học phải đối mặt với những trở ngại lớn hơn, do bởi
người ta khó mà nhận dạng được những thiết chế như vậy sau khi chúng trải
qua sự biến đổi. Hiểu theo nghĩa mô tả thuần túy thì không thể nhìn ra sự
giống nhau giữa một thiết chế trước khi thay đổi với một thiết chế sau khi
đã thay đổi; chúng phải hoàn toàn khác nhau xét từ góc độ mô tả. Một sự
mô tả duy tự nhiên luận về những thiết chế của chính phủ Anh quốc, chẳng
hạn, sẽ khác hẳn với chúng cách đây bốn thế kỉ. Nhưng ta vẫn có thể nói,
với tư cách là một chính phủ thì về cơ bản nó vẫn là một, dù đã có nhiều
thay đổi đáng kể. Chức năng của nó đối với xã hội hiện đại về cơ bản cũng
giống với chức năng nó đã thực hiện vào thời đó. Mặc dù thật khó tìm ra
những nét có thể mô tả được còn giữ nguyên như lúc đầu, nhưng căn tính
cơ bản của thiết chế vẫn được lưu giữ, cho phép chúng ta nhìn ra một thiết
chế với tính chất là sự biến cải của một thiết chế khác: trong khoa học xã
hội, ta không thể nói đến những biến đổi hoặc những quá trình phát triển mà