12. CƠ SỞ QUAN SÁT
Ở khía cạnh nào đó mà nói, một cơ sở quan sát phi thực nghiệm luôn mang
tính “lịch sử”. Thậm chí đối với cơ sở quan sát của ngành thiên văn học
cũng vậy. Những thực kiện được thiên văn học dùng làm cơ sở chính là
những ghi chép thu được từ đài thiên văn. Chẳng hạn đó là những ghi chép
cho ta biết vào ngày ấy, tháng ấy, giờ ấy, ông nọ hay ngài kia quan sát thấy
Sao Thuỷ đang nằm ở vị trí nào đó. Tóm lại, những ghi chép ấy cung cấp
cho ta một “danh mục các sự kiện sắp xếp theo thứ tự thời gian”, hoặc một
niên biểu các phép quan sát.
Tương tự, cơ sở quan sát của xã hội học chỉ có thể hiểu dưới dạng niên biểu
các sự kiện, cụ thể là niên biểu những biến cố chính trị và xã hội. Niên biểu
những biến cố chính trị và những biến cố quan trọng khác của đời sống xã
hội này thông thường được người ta gán cho một cái tên là “lịch sử”. Theo
cách hiểu hạn hẹp ấy, lịch sử chính là cơ sở của xã hội học.
Phủ nhận tầm quan trọng của lịch sử hiểu theo nghĩa hẹp như vậy với tư
cách là cơ sở thường nghiệm của khoa học xã hội hẳn là một điều nực cười.
Thế nhưng một trong những lời tuyên bố đặc trưng của thuyết sử luận có
liên quan mật thiết đến việc nó phù nhận tính khả dụng của phương pháp
thực nghiệm lại là: lịch sử chính trị và lịch sử xã hội là nguồn kinh nghiệm
duy nhất của xã hội học. Do đó, nhà sử luận mường tượng xã hội học như
một bộ môn lí thuyết và thường nghiệm mà cơ sở thường nghiệm duy nhất
của nó là một niên biểu các thực kiện của lịch sử, với mục đích đưa ra
những dự báo, mà tốt nhất là những dự báo trên quy mô lớn. Rõ ràng,
những dự báo này đồng thời phải mang tính lịch sử, bởi việc trắc nghiệm,
kiểm chứng hay phủ bác chúng phải là công việc của lịch sử trong tương
lai. Như vậy, việc đưa ra và trắc nghiệm các dự báo lịch sử trên quy mô lớn
là nhiệm vụ của môn xã hội học dưới cái nhìn của thuyết sử luận. Tóm lại,
tuyên ngôn của nhà sử luận là: xã hội học là một môn sử học lí thuyết.