một khi nó hướng tới những biến đổi đang sắp xảy ra và góp phần thúc đẩy
những biến đổi đó.
Như trên đã nói, thuyết sử luận cho rằng phương pháp duy tự nhiên luận
dẫn đến một lí thuyết xã hội học tất định - theo đó xã hội không phát triển
hay biến đổi đáng kể. Vậy mà bây giờ ta lại thấy phương pháp sử luận cũng
dẫn đến một lí thuyết xã hội học tương tự đến lạ lùng - theo đó xã hội hiển
nhiên phải biến đổi nhưng là biến đổi theo một lối mòn không thay đổi đã
được định trước, thông qua những thời kì đã được định trước bởi tính tất
yếu vô cảm.
“Một khi xã hội đã phát hiện ra cái định luật tự nhiên đang định đoạt sự vận
động của bản thân nó thì nó không thể bỏ qua những giai đoạn tiến hóa tự
nhiên của mình, và cũng không thể gạt bỏ chúng khỏi thế gian bằng một nét
sổ. Nhưng điều sau đây thì có thể làm được nhiều: có thể giúp rút ngắn và
làm dịu bớt những cơn đau đẻ.” Công thức do Marx đề ra này (lời tựa cuốn
Tư Bản Luận) đã thể hiện một cách hoàn hảo lập trường sử luận. Mặc dù
không cổ vũ thái độ thụ động cũng như không truyền bá thuyết định mệnh
đích thực nhưng thuyết sử luận lại rao giảng sự phù phiếm của mọi nỗ lực
chống lại những biến đổi đang sắp xảy ra, một biến thể khác thường của
thuyết định mệnh, có thể nói là một thứ thuyết định mệnh của những xu thế
lịch sử. Xem ra như vậy, lời tuyên bố mang tính hành động “Các triết gia
xưa nay chỉ biết tìm mọi cách diễn giải thế giới, trong khi cái chính là phải
cải tạo nó” (lời tuyên bố này cũng của Marx trong phần cuối mục 1 cuốn
Luận cương về Feuerbach) chiếm được nhiều sự đồng cảm của các nhà sử
luận (với cách hiểu “thế giới” ở đây là xã hội loài người đang phát triển) bởi
nó chú trọng tới sự biến đổi. Nhưng nó lại mâu thuẫn với phần lớn các học
thuyết sử luận. Bởi với những gì ta hiểu, câu nói đó có thể được trình bày
lại như sau: “Nhà sử luận chỉ có thể diễn giải sự phát triển xã hội và trợ
giúp cho nó bằng nhiều cách; trong khi chính anh ta lại cho rằng không ai
thay đổi được nó.”