Những ý niệm kiểu ấy đã được một số nhà sử luận ủng hộ, và cũng đã được
phát triển thành một lí thuyết đạo đức sử luận khá nhất quán (và khá phổ
biến): đạo đức tốt đẹp là đạo đức tiến bộ, có nghĩa đạo đức tốt đẹp là thứ
đạo đức đang ở phía trước, phù hợp với những chuẩn mực hành vi sẽ được
chấp nhận trong giai đoạn sắp tới.
Có thể mô tả lí thuyết đạo đức theo thuyết sử luận này như một thứ “lí
thuyết hiện đại về đạo đức” hay “thuyết vị lai về đạo đức” (mà bản sao của
nó là chủ thuyết hiện đại hay chủ thuyết vị lai thẩm mĩ). Thuyết này hoàn
toàn nhất trí với thái độ chống bảo thủ của thuyết sử luận; nó còn có thể
được coi như một lời giải đáp cho một số câu hỏi về giá trị (xem mục 6 về
tính khách quan và cách đánh giá). Trên hết, nó phải được xem như một chỉ
báo cho thấy thuyết sử luận - một lí thuyết chỉ có thể được nghiên cứu và
khảo sát một cách nghiêm túc khi xem nó như một học thuyết về phương
pháp - có thể được bàn rộng và phát triển thành một hệ thống triết học hoàn
chỉnh. Hay nói cách khác: dường như không có gì sai khi nói gốc rễ của
phương pháp sử luận hoàn toàn có thể là một phần của cách diễn giải thế
giới mang tính triết học. Bởi chắc chắn rằng, dù không đứng trên quan điểm
logic mà chỉ trên quan điểm lịch sử, những vấn đề phương pháp luận
thường là sản phẩm phụ của các quan điểm triết học. Tôi có ý sẽ xem xét và
phân tích những triết lí của thuyết sử luận này trong một dịp khác. Trước
mắt, tôi chỉ muốn phê phán các luận thuyết sử luận như vừa được mô tả ở
trên mà thôi.
Khi viết những dòng này thì cuốn “Xã hội mở và những kẻ thù của nó”
cũng đồng thời được xuất bản (London 1945; tái bản có sửa chữa,
Princeton 1950, London 1952,1957; tái bản lần thứ ba, London 1961). Ở
đây, tôi đặc biệt có ý ám chỉ Chương 22 mang tựa đề “Lí thuyết Đạo đức
của thuyết sử luận” của cuốn sách đó.