một vài quan niệm xã hội học như quan niệm về quyền lực; xem, chẳng hạn,
tác phẩm Power (1938) của Bertrand Russell, từ trang 10, trong đó có trình
bày loại nỗ lực khoa học nói trên. Tôi không nghĩ là quan điểm chủ đạo của
Russell - cho rằng “các dạng quyền lực” khác nhau như sự giàu sang,
quyền lực trong tuyên truyền, quyền lực hiển nhiên [naked power] đôi khi
có thể được “cải đổi” cho nhau - lại có thể được thể hiện dưới dạng công
nghệ).
Cách tiếp cận đặc trưng của người kĩ sư kiến dựng phân mảnh là như sau.
Kể cả có nuôi hi vọng về một xã hội lí tưởng “như một chỉnh thể” - có thể
về sự thịnh vượng của xã hội - anh ta cũng không tin vào phương pháp tái
thiết kế xã hội với tư cách là một toàn thể. Dù mục tiêu đề ra là gì, anh ta
cũng đều tìm cách đạt được chúng bằng những chỉnh sửa nhỏ và những tái
chỉnh sửa mà anh ta có khả năng tiếp tục điều chỉnh cho tốt hơn. Anh ta có
thể đề ra nhiều mục tiêu khác nhau, chẳng hạn như tích lũy của cải hay
quyền lực cho một số cá nhân hay một số nhóm; cũng có thể là việc phân
bổ của cải hay quyền lực; hoặc bảo vệ một số “quyền” cho các cá nhân hay
các nhóm,.v..v. Do đó việc kiến dựng công cộng hoặc chính trị xã hội có thể
được tiến hành theo rất nhiều khuynh hướng khác nhau, từ những khuynh
hướng toàn trị cho đến những khuynh hướng tự do (những ví dụ về một số
chương trình được thực hiện theo khuynh hướng tự do có ảnh hưởng sâu
rộng đã được W. Lippmann dẫn ra dưới tiêu đề “Agenda of Liberalism”
[Nghị trình của chủ thuyết Tự do] (W. Lippmann, The Good Society [Xã hội
tốt đẹp] (1937, Chương XI, từ trang 203. Xem thêm W. H. Hutt, Plan for
Reconstruction [Kế hoạch Tái thiết] (1943)). Cũng giống như Socrates,
người kĩ sư kiến dựng phân mảnh biết là mình hiểu biết ít ỏi đến thế nào.
Anh ta biết chúng ta chỉ có thể rút ra những bài học từ những sai lầm của
chính mình. Do đó, anh ta sẽ làm từng bước một theo cách riêng của mình,
so sánh kĩ những kết quả trông đợi với những kết quả đạt được, cảnh giác
đối với những hệ quả không mong muốn mang tính tất yếu của mọi cuộc cải
cách; và rồi anh ta sẽ cố tránh thực hiện những cải cách khiến anh ta không
thể gỡ khỏi mối bòng bong của những nguyên nhân và những kết quả, và
đồng thời khiến anh ta không hiểu nổi mình đang thực sự làm gì.