Sự “hàn nối từng mảnh” kiểu này không phù hợp với khí chất chính trị của
đa số những người có quan điểm “duy hành động”. Dù cương lĩnh của
những người này cũng đã được mô tả như một cương lĩnh “kiến dựng xã
hội”, nhưng có thể gọi đó là loại cương lĩnh “chủ toàn” [holistic] hay loại
cương lĩnh “kiến dựng Không Tưởng”.
Ngược lại với kiến dựng xã hội theo lối phân mảnh, phương pháp kiến dựng
xã hội chủ toàn hoặc Không Tưởng không bao giờ mang đặc tính “tư”, mà
luôn luôn mang đặc tính “công”. Mục tiêu cần đạt tới của loại kiến dựng
này là uốn nắn “toàn bộ xã hội” sao cho khớp với một sự hoạch định hay
một kế hoạch chi tiết đã được vạch sẵn; nó hướng tới việc “nắm được
những vị trí chủ chốt” (cụm từ thường được K. Mannheim sử dụng trong
cuốn Man and Society in an Age of Reconstruction [Con người và xã hội
trong thời đại tái thiết] của ông; xem phần Phụ lục của cuốn sách và, chẳng
hạn, các trang 269, 295, 320, 381. Đây là cuốn sách trình bày một cách kĩ
lưỡng nhất về một cương lĩnh chủ toàn và duy lịch sử mà tôi được biết, và
bởi vậy nó được nêu ra để phê phán trong cuốn sách này của tôi) và mở
rộng “quyền lực của Nhà nước cho tới khi Nhà nước gần trở thành đồng
nhất với xã hội” (xem Mannheim, sđd, trang 337. Ở mục 23 mệnh đề này
được trích dẫn và phê bình đầy đủ hơn, xem chú thích 1 trang 142) và tiến
tới nó còn hướng đến việc tìm cách từ những “vị trí chủ chốt” ấy kiểm soát
những động lực lịch sử của sự phát triển xã hội trong tương lai: bằng cách
hoặc kìm hãm sự phát triển đó hoặc tiên liệu tiến trình phát triển của xã hội
và điều chỉnh, hướng xã hội đi theo một tiến trình nhất định.
Ở đây có thể đặt ra một câu hỏi, liệu cách tiếp cận phân mảnh và cách tiếp
cận chủ toàn như mô tả ở trên về căn bản có khác nhau hay không, một khi
chúng ta không đặt ra bất cứ giới hạn nào cho phạm vi của cách tiếp cận
phân mảnh. Theo những gì ta hiểu về cách tiếp cận này thì việc cải tổ hiến
pháp, chẳng hạn, cũng nằm gọn trong phạm vi đó; còn tôi thì cũng không hề
loại trừ khả năng hàng loạt những cải cách từng phần có thể được thực hiện
phỏng theo một khuynh hướng chung, chẳng hạn như khuynh hướng tiến
tới một sự bình đẳng về thu nhập. Bằng cách này, các phương pháp phân
mảnh có thể dẫn đến sự thay đổi trong cái ta thường gọi là “cấu trúc giai