này không khác nhau về thang độ và phạm vi áp dụng mà khác nhau ở
những khía cạnh khác - ngược lại với những gì ta chờ đợi nếu có sự so sánh
giữa hai luận thuyết bàn về các phương pháp cải tổ xã hội trên tinh thần duy
lí. Trong hai luận thuyết ấy, tôi khẳng định một cái là đúng còn cái kia là sai
và chắc chắn sẽ dẫn đến những lỗi lầm vừa nghiêm trọng lại vừa gần như
tránh được. Giữa hai phương pháp, tôi khẳng định rằng một là khả dĩ còn
một thì đơn giản là không tồn tại; nó là bất khả.
Một trong những khác biệt giữa cách tiếp cận Không Tưởng hoặc chủ toàn
và cách tiếp cận theo lối phân mảnh, do đó, có thể được phát biểu dưới dạng
sau: trong khi người kĩ sư áp dụng phương pháp phân mảnh có thể bắt tay
giải quyết vấn đề của mình với đầu óc không thiên kiến đối với phạm vi cần
cải tổ thì người theo quan điểm chủ toàn không làm được điều đó; bởi
người theo quan điểm chủ toàn đã xác định từ trước rằng một sự tái tạo
hoàn toàn là có thể làm được và là cần thiết. Điều này dẫn đến nhiều hệ quả
sâu rộng. Nó khiến người hành động theo quan điểm Không Tưởng chống
lại một số giả thuyết xã hội học đã vạch rõ những hạn chế của việc kiểm
soát thông qua thiết chế; chẳng hạn như một hạn chế vừa được nhắc tới ở
trên trong mục này về tính thiếu chắc chắn của yếu tố nhân sự, của “nhân tố
con người”. Bằng việc bác bỏ những giả thuyết như vậy một cách tiên
nghiệm, cách tiếp cận Không Tưởng đã vi phạm những nguyên lí của
phương pháp khoa học. Mặt khác, những vấn đề liên quan đến tính thiếu
chắc chắn của nhân tố con người hẳn sẽ buộc người theo thuyết Không
Tưởng, dù muốn hay không, phải cố gắng kiểm soát nhân tố con người
bằng các phương tiện mang tính thiết chế, và cố gắng tạo cho cương lĩnh
của mình bao trùm không chỉ sự cải tổ của xã hội mà cả sự cải tổ của con
người. (“Vấn đề cải tạo con người” là đầu đề của một chương trong cuốn
Man and Society (Con người và xã hội) của K. Mannheim. Câu ngay sau
được trích dẫn từ chương này, trang 199 - 200) “Do đó, vấn đề thuộc phạm
vi chính trị ở đây là làm cách nào tổ chức được những xung lực của con
người sao cho họ dồn trực tiếp toàn bộ năng lực của mình vào các mục tiêu
chiến lược đúng đắn và lái toàn bộ quá trình phát triển theo đúng hướng đã
định.” Xem ra người theo thuyết Không Tưởng dù đầy thiện chí cũng đã