SỰ NGHÈO NÀN CỦA THUYẾT SỬ LUẬN - Trang 9

CHÚ THÍCH VỀ NIÊN BIỂU

Luận điểm chính được đề cập đến trong cuốn sách này - tức là luận điểm
cho rằng niềm tin vào vận mệnh lịch sử là một niềm tin mang màu sắc mê
tín tuyệt đối, và cũng là luận điểm cho rằng dù có sử dụng những phương
pháp khoa học hay bất cứ phương pháp có lý tính nào khác, cũng không ai
có thể đoán trước những bước phát triển của lịch sử loài người - được manh
nha hình thành từ những năm 1919 - 1920. Những nét cơ bản của luận điểm
này được phác thảo đầy đủ vào năm 1935, và được trình bày lần đầu vào
tháng Hai năm 1936 dưới hình thức một bài viết có nhan đề “Sự nghèo nàn
của thuyết sử luận” (The Poverty of Historicism) trong một cuộc tọa đàm tự
tổ chức tại tư gia của bạn tôi là Alfred Braunthal ở Brussels. Tại buổi tọa
đàm này, một sinh viên cũ của tôi đã đưa ra một số ý kiến đóng góp quan
trọng. Đó là tiến sĩ Karl Hilferding, người đã sớm trở thành nạn nhân của
Gestapo và của những niềm tin mang tính sử luận dị đoan của Đệ Tam
Quốc Xã. Trong cuộc tọa đàm này còn có sự tham gia của một vài triết gia
khác. Ngay không lâu sau đó, tôi có trình bày một tham luận tương tự tại
cuộc hội thảo do F. A. Hayek tổ chức ở Học Viện Kinh Tế London. Việc
xuất bản chậm trễ mất vài năm vì bản thảo tôi giao cho một tập san triết học
định kỳ bị từ chối. Sau đó bài viết đã được đăng tải lần đầu vào ba kỳ trên
tạp chí Economica, Bộ Mới, tập XI, số 42 và 43, 1944, và tập XII, số 46,
1945. Tiếp đó, một bản dịch tiếng Italia (Milano, 1954) và một bản dịch
tiếng Pháp (Paris, 1956) đã được ra mắt dưới dạng sách. Trong lần xuất bản
mới này, bài viết đã được chỉnh sửa và bổ sung.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.