Chính quan điểm chủ toàn là cái dựa vào đó để phân biệt một cách dứt
khoát nhất thuyết sử luận với bất cứ loại công nghệ phân mảnh nào và khiến
nó có khả năng liên kết với một số kiểu kĩ thuật chủ toàn hoặc Không
Tưởng.
Hẳn đây là một liên minh có phần nào trái khoáy; bởi như ta biết (xem mục
15), có một sự xung đột rõ ràng giữa cách tiếp cận của người theo quan
điểm sử luận với cách tiếp cận của kĩ sư xã hội hoặc của nhà công nghệ, nếu
ta hiểu kĩ thuật xã hội là việc kiến tạo các thể chế xã hội trên cơ sở một sự
hoạch định. Theo cách nhìn của thuyết sử luận, cách tiếp cận sử luận về căn
bản đối lập với mọi thứ kĩ thuật xã hội, không khác gì cách tiếp cận của một
nhà khí tượng học đối lập với cách tiếp cận của một thầy phù thủy hô phong
hoán vũ; dựa trên cách nhìn đó, kĩ thuật xã hội (kể cả cách tiếp cận phân
mảnh) bị các nhà sử luận công kích coi như một thứ kĩ nghệ Không Tưởng.
(Xem các mục từ 15 đến 17; đặc biệt nên tham khảo cuốn Chủ nghĩa Xã
hội, từ Không tưởng đến Khoa học (Socialism, Utopian and Scientific) của
Engels). Bất chấp điều đó, chúng ta vẫn thấy thuyết sử luận rất thường
xuyên liên kết với chính những ý niệm đặc trưng cho kĩ nghệ xã hội chủ
toàn hay Không Tưởng, thể như ý niệm về “những đồ án thiết kế cho một
trật tự mới” hay về “kế hoạch hóa tập trung”.
Hai đại diện tiêu biểu cho liên minh này là Plato và Marx. Plato có quan
điểm yếm thế, ông tin rằng mọi biến đổi - hay hầu hết mọi biến đổi - đều
dẫn đến suy vong; đó là định luật phát triển lịch sử theo quan điểm của ông.
Theo đó, đề án thiết kế Không Tưởng của ông đưa ra là nhằm ngăn chặn
mọi biến đổi (tôi bàn khá kĩ về điểm này trong cuốn “Xã hội mở và những
kẻ thù của nó”); đó là một đề án “tĩnh” theo cách gọi ngày nay. Ngược với
Plato, Marx là người lạc quan và có khả năng (như Spencer) là môn đồ của
một thứ học thuyết đạo đức mang tính sử luận. Do đó, đề án thiết kế Không
Tưởng của ông hướng về một xã hội đang phát triển hay một xã hội “động”
chứ không phải một xã hội đông cứng. Marx đã tiên đoán và cố gắng tích
cực thúc đẩy một hướng phát triển mà giai đoạn tột cùng của nó là một xã
hội Không Tưởng lí tưởng, ở đó không còn áp bức chính trị hoặc kinh tế: