đạo cụ thể và linh hoạt chiến sự và việc giúp đỡ các mặt trận.
Tôi muốn nêu lên dù chỉ một việc sau này thôi. Ngay từ đầu chiến tranh,
Bộ Tổng tham mưu đã gặp khó khăn vì thường xuyên bị mất liên lạc với
các phương diện quân và tập đoàn quân. Các đơn vị bộ đội cũng gặp khó
khăn vì không liên lạc được với Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu. Bộ
dân ủy bưu điện giúp chúng tôi, nhưng đồng thời Bộ phải phục vụ nhu cầu
của cả nước, và vì thế không phải bao giờ những nhu cầu của chúng tôi
cũng được thỏa mãn ngay. Khi nghe báo cáo về điều đó, I. V. Xta-lin có nói:
— Nếu bộ trưởng dân ủy Pê-rê-xứp-kin giúp các anh không tốt thì nên
bổ nhiệm anh ấy kiêm chức cục trưởng Cục thông tin liên lạc thuộc Bộ dân
ủy quốc phòng vậy.
Và sau đó đã làm như thế, điều đó cho phép thu hút mọi phương tiện
liên lạc của đất nước và một phần lớn các chuyên viên ưu tú của Bộ dân ủy
để phục vụ đường dây liên lạc của các Lực lượng vũ trang nhằm lãnh đạo
các phương diện quân và tập đoàn quân. Nhờ đó công việc đã thay đổi hẳn
và liên lạc không còn là vấn đề nữa.
Tổng cục xây dựng và trang bị bộ đội của Hồng quân cũng được thành
lập vào lúc đó.
Cuối tháng Bảy, ngành hậu cần được cải tổ. Tổng cục hậu cần được
thành lập (bộ tham mưu, cục giao thông vận tải quân sự, cục đường ô-tô).
Chức vụ tổng cục trưởng hậu cần được giao cho một cán bộ quản lý có kinh
nghiệm nổi tiếng trong các Lực lượng vũ trang là tướng A. V. Khơ-ru-li-ốp.
Một số cục của Bộ dân ủy quốc phòng đã được cải tổ thành tổng cục. Khôi
phục lại chức vụ thủ trưởng pháo binh Hồng quân, tướng N. N. Vô-rô-nôp
được bổ nhiệm làm chức vụ đó. Trong các quân chủng của các Lực lượng
vũ trang cũng có việc cải tổ.