binh chủng và mỗi chủ nhiệm của nhiều Tổng cục đã trở thành thứ trưởng
Bộ dân ủy quốc phòng, thì trong hành động của họ đôi khi có xu hướng đề
ra những quyết định mang tính chất tự trị. Mỗi Tổng tư lệnh và chủ nhiệm
tổng cục, cũng như Tổng tham mưu trưởng đều giữ chức thứ trưởng Bộ dân
ủy quốc phòng, và không phải bao giờ họ cũng chú trọng tới chỉ thị của
tổng tham mưu trưởng, ngay cả khi những chỉ thị đó đã được Đại bản doanh
phê chuẩn.
Những quan hệ không bình thường như vậy đã kìm hãm sự lãnh đạo các
Lực lượng vũ trang. Tôi đành phải báo cáo với I. V. Xta-lin. Kết quả là đã
có một quyết định mới. Chỉ ngay sau khi giảm bớt số lượng thứ trưởng Bộ
dân ủy quốc phòng xuống còn hai người, mọi việc đã trở lại bình thường.
Chưa hẳn đã cần thiết phải có những lời khuyên hay kết luận nào đó về
vấn đề cơ cấu tổ chức của Bộ Tổng tham mưu trong những năm chiến tranh.
Cơ cấu của Bộ Tổng tham mưu không phải là một đại lượng cả định. Tất cả
những thay đổi cần thiết khách quan về cơ cấu là do những lợi ích nâng cao
vai trò của Bộ Tổng tham mưu trong việc lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang
quyết định. Thời kỳ đầu đầy khó khăn của cuộc chiến tranh và quy mô to
lớn của những hoạt động quân sự từ biển Ba-ren tới Biển Đen - đã ảnh
hưởng đến điều đó.
Thế nhưng có một điều rõ ràng. Tuy đôi khi có những quyết định về mặt
tổ chức chưa đúng lắm, nhưng cơ cấu của Bộ Tổng tham mưu, cũng như
của Bộ dân ủy quốc phòng nói chung, đã đảm bảo cho Bộ Tổng tư lệnh tối
cao lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang một cách linh hoạt và rất có hiệu quả.
Quả thật, ban đầu, việc I. V. Xta-lin còn coi nhẹ ý nghĩa và vị trí của bộ
máy Bộ Tổng tham mưu trong việc lãnh đạo các phương diện quân và cả
trong hoạt động của bản thân Bộ Tổng tư lệnh tối cao, đã làm cho công tác
phức tạp thêm.