Đầu tháng Chạp, lực lượng địch ở ngoại vi Mát-xcơ-va có hơn 800
nghìn tên, gần 10,4 nghìn đại bác và súng cối. 1 nghìn xe tăng và hơn 600
máy bay, còn Hồng quân thì có 760 nghìn người, 5.200 đại bác và súng cối.
415 dàn pháo phản lực, 670 xe tăng và 860 máy bay. Như chúng ta thấy, về
lực lượng chúng ta chẳng có ưu thế gì cả.
Ngay đầu tháng Mười một, sau khi mưu đồ đầu tiên của giặc đột phá
vào thủ đô bị đập nát, ở Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã có ý định
phản công. Nhưng lúc bấy giờ phải từ bỏ ý định đó, vì phải sử dụng hết lực
lượng dự bị để đẩy lùi đợt tiến công ào ạt mới của phát-xít. Mãi đến cuối
tháng Mười một, khi địch đã kiệt sức tiến công, những cánh quân xung kích
của chúng phải dàn trên một chính diện rộng và không kịp đứng vững dược
trên những chiến tuyến mới đoạt được, Đại bản doanh mới trở lại ý định
phản công.
Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh rất tin tưởng vào
thắng lợi của cuộc phản công ở ngoại vi Mát-xcơ-va đến nỗi ngày 15 tháng
Chạp, nghĩa là mười ngày sau khi cuộc phản công bắt đầu, đã có quyết định
cho cơ quan của Ban chấp hành trung ương và một số cơ quan nhà nước trở
về Mát-xcơ-va. Bộ Tổng tham mưu do B. M. Sa-pô-sni-cốp dẫn đầu đã trở
về ngay từ những ngày 20 tháng Mười một và dốc sức ngay vào công tác
chuẩn bị phản công.
Cần phải nói rõ là việc tiến hành phản công ở ngoại vi Mát-xcơ-va được
dễ dàng thêm nhiều nhờ có những hành động tiến công thắng lợi của bộ đội
Liên Xô hồi tháng Mười một và tháng Chạp ở trên các hướng Ti-khơ-vin và
Rô-xtốp. Việc đánh bại quân giặc ở Ti-khơ-vin và Rô-xtốp tuy có đòi hỏi
Bộ Tổng tư lệnh tối cao phải gửi đến đây một phần lực lượng dự bị nhưng
đã cho phép giải quyết không những các nhiệm vụ cục bộ ở đó, mà còn kìm
hãm kẻ thù ở các hướng Tây - Bắc và Nam. Chính vì thế mà bọn phát-xít đã
mất khả năng điều các đơn vị ở trên các hướng này đến tăng cường cho
cánh quân trung tâm của chúng.